Cây lan kim tuyến
1.Về hình thái.
Lan kim tuyến là cây thân cỏ, có thân rễ mọc dài, thân trên đất mọng nước mang 2-6 lá mọc cách. Thân khí sinh và thân rễ thường nhẵn, không phủ lông; màu xanh trắng, đôi khi có màu nâu đỏ. Hoa tự chùm mọc ở đầu ngọn thân, trục hoa dài từ 5-20 cm, thường phủ lông màu nâu đỏ, mang từ 4-10 hoa. Mùa hoa nở tháng 9-12. Mùa quả chín tháng 12 – 3 năm sau. Về phân bố, Lan kim tuyến tập trung ở các kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới và rừng kín lá rộng thường xanh á nhiệt đới núi thấp, chủ yếu ở độ cao trên 900m, quanh núi Ten. Nơi đất giàu mùn, độ ẩm và độ xốp cao, thoáng khí. Có thể gặp Lan kim tuyến ở ven các khe suối, dưới tán rừng hoặc dưới rừng sặt nơi ẩm ướt.
- Đặc điểm hình thái cây trưởng thành
Cây thảo, có thân rễ mọc dài; thân trên đất mọng nước mang 2-6 lá mọc xoè sát đất. Lá hình trứng, gần tròn ở gốc, chóp hơi nhọn và có mũi ngắn, cỡ 3,5-4,5 x 2,5-3,5 cm. Lá có màu nâu đỏ ở mặt trên. Hệ gân lá mạng lưới lông chim, thường có 5 gân gốc. Các gân này thường có màu hồng ở mặt trên và nổi rất rõ. Đôi khi gân ở giữa có màu vàng nhạt. Mặt dưới lá có màu nâu đỏ nhạt, nhẵn với 5 gân gốc nổi rõ. Các gân bên ở phía rìa lá nổi rõ, gân ở giữa lá ở mặt dưới không rõ. Cuống lá dài 0.6 – 1.2 cm, thường nhẵn và có màu trắng xanh, đôi khi hơi đỏ tía ở bẹ lá. Bẹ lá nổi rõ và nhẵn. Hoa tự chùm mọc ở đầu ngọn thân, trục hoa dài từ 5-20 cm, thường phủ lông màu nâu đỏ, mang từ 4-10 hoa. Mùa hoa nở tháng 9-12. Mùa quả chín tháng 12 – 3 năm sau. Hoa có cánh môi màu trắng. Hai bên rìa mang từ 6-8 râu mỗi bên.
Đặc điểm thân rễ
Thân rễ nằm ngang sát mặt đất, đôi khi hơi nghiêng, bò dài. Chiều dài thân rễ từ 5-12 cm, trung bình là 8,5 cm. Đường kính thân rễ từ 2,5-3,5 mm, trung bình là 3,28 mm. Số lóng trên thân rễ từ 3-7 lóng, trung bình là 4,03 lóng. Chiều dài của lóng từ 1–5 cm, trung bình là 2,14 cm. Thân rễ thường có màu xanh trắng, đôi khi có màu nâu đỏ, thường nhẵn, không phủ lông.
Đặc điểm thân khí sinh
Thân khí sinh thường mọc thẳng đứng trên mặt đất, ít khi mọc nghiêng. Chiều dài thân khí sinh từ 3-7 cm, trung bình 5,63 cm. Đường kính thân khí sinh từ 2,5–3,5 mm, trung bình là 3,09 mm. Thân khí sinh mang nhiều lóng, các lóng có chiều dài khác nhau. Số lóng trên thân khí sinh thay đổi từ 2-5 lóng, trung bình là 3,07. Chiều dài mỗi lóng từ 1,5-4 cm, trung bình 1,87 cm. Thân khí sinh thường mọng nước, nhẵn, không phủ lông; thường có màu xanh trắng, đôi khi có màu hồng nhạt.
Đặc điểm của rễ
Rễ được mọc ra từ các mẫu trên thân rễ. Đôi khi rễ cũng được hình thành từ thân khí sinh. Rễ thường đâm thẳng xuống đất. Thông thường mỗi mấu chỉ có một rễ, đôi khi có vài rễ cùng được hình thành từ một mấu trên thân rễ. Số lượng và kích thước rễ cũng rất thay đổi tuỳ theo cá thể. Số rễ trên một cây thường từ 2-9 rễ, trung bình là 5,2. Chều dài của rễ thay đổi từ 1-9 cm, rễ dài nhất trung bình là 6,37 cm và ngắn nhất trung bình là 1,04 cm, chiều dài trung bình của các rễ trên một cây là 4,07 cm.
Lá cây
Số lượng lá trên một cây thay đổi từ 2-6 chiếc, thông thường có 4 lá. Lá mọc cách xoắn quanh thân, xoè trên mặt đất. Kích thước của lá cũng thay đổi, thường dài từ 3-5 cm, trung bình là 3,87 cm và rộng của lá từ 2-4 cm, trung bình là 2,93 cm. Các lá trên một cây thường có kích thước khác nhau rõ rệt. Chiều rộng trung bình của các lá trên một cây là 2,5 cm.
3.Đặc điểm phân bố của Lan kim tuyến
Phân bố theo kiểu rừng
Tại VQG Xuân Sơn, thảm thực vật nơi có loài Lan kim tuyến phân bố thuộc các kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới và kiểu rừng kín lá rộng thường xanh á nhiệt đới núi thấp. Rừng thường có cấu trúc 2 tầng cây gỗ.
– Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới
– Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh á nhiệt đới núi thấp
Phân bố Lan kim tuyến theo trạng thái rừng và sinh cảnh
– Theo trạng thái rừng
Kết quả điều tra trên 2 tuyến và 10 ô tiêu chuẩn đại diện đã khẳng định: Lan kim tuyến phân bố tập trung chủ yếu ở trạng thái rừng IIIA2, thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia. Độ tàn che của các trạng thái này từ 80-90%. Đặc điểm của cây bụi và thảm tươi ở khu vực Lan kim tuyến phân bố là thưa thớt, độ che phủ thấp thường vào khoảng từ 20-30%, với độ cao của lớp cây bụi và thảm tươi khoảng từ 0.1-0.45m tuỳ từng khu vực. Lan kim tuyến thường ít phân bố ở những nơi cây bụi thảm tươi dày đặc. Chúng có thể nằm ngay trên lớp thảm mục của rừng đang bị phân huỷ.
– Về sinh cảnh
Lan kim tuyến chủ yếu phân bố trên đất, chúng mọc sát ngay bề mặt đất, nơi đất giàu mùn, độ ẩm và độ xốp cao, thoáng khí; thậm chí ngay trên lớp thảm mục của rừng đang phân huỷ. Đôi khi chúng mọc trên các tảng đá ẩm, trên các đoạn thân cây gỗ mục, trong gốc cây. Có thể bắt gặp Lan kim tuyến ở trong rừng nơi ẩm ướt, ven các khe suối, dưới tán rừng cây gỗ lớn, hoặc dưới rừng trúc, rừng sặt, trên đường mòn đi lại trong rừng.
Phân bố Lan kim tuyến theo địa lý, địa hình và đai cao
Về địa lý, địa hình: có thể gặp chúng ở hầu hết các dạng địa hình, như chân núi, sườn núi, đỉnh núi; chúng thường phân bố bố ở những nơi dốc hay rất dốc.
Về đai cao: Lan kim tuyến thường phân bố ở đai cao trên 550m, tập trung chủ yếu ở độ cao trên 900m.
Điều kiện đất đai Lan kim tuyến sinh trưởng phát triển .
+ Về hàm lượng mùn: ở mức rất giầu (lần lượt là 9,15 và 9,37%).
+ Về hàm lượng các chất dễ tiêu: Đạm và kali dễ tiêu rất giầu, nhưng lân dễ tiêu lại rất nghèo (khoảng 1,8 mg/100g đất).
+ Hàm lượng tổng số các chất đạm, lân và kali đều ở mức giầu đến rất giầu.
+ Về độ chua hoạt động: đất tại khu vực có phản ứng chua. Chỉ số pHKCl ở hai mẫu lần lượt là 4,6 và 4,7.
+ Độ chua trao đổi và thủy phân đều cao.
+ Tổng Ca++ và Mg++ đều ở mức thấp (lần lượt là 2,65 và 2,68 lđl/100g đất).
+ Độ no bazơ thấp, chỉ đạt 32-33% (đều nhỏ hơn mức yêu cầu là 50%)
+ Về thành phần cơ giới: Đất tại 2 mẫu nghiên cứu đều có thành phần cơ giới nặng.
Điều kiện khí hậu Lan kim tuyến sinh trưởng phát triển .
Khí hậu nơi loài Lan kim tuyến phân bố thuộc khí hậu nhiệt đới ẩm. Lượng mưa trung bình năm là 1.826 mm. Độ ẩm không khí trung bình 85%. Nhiệt độ trung bình năm từ dưới 20oC đến 22oC-23oC.
- Kỹ thuật trồng.
4.1. Xử lý giá thể trồng lan Kim tuyến
+ Rễ cây dương xỉ mục:
Rễ dương xỉ khô, xé nhỏ, ngâm trong nước sạch 30 phút cho ngấm no nước rồi đóng vào chậu/ cốc trồng, ấn cho giá thể chặt vừa phải.
+ Xơ dừa khô:
Xé nhỏ xơ dừa, phơi thật khô, trước khi trồng ngâm trong nước vôi loãng 6 -8 ngày, chú ý 2 ngày thay nước vôi 1 lần (thay 2-3 lần), lần cuối ngâm trong nước sạch. Khi trồng vớt xơ dừa ra đóng vào chậu/cốc.
+ Đất trộn lẫn phân ủ hoai/ mùn cưa ủ hoai:
Đất mục tơi xốp + phân ủ hoai, tỷ lệ 4 đất: 1 phân ủ hoai;
Đất mục tơi xốp + phân ủ hoai + mùn cưa ủ hoai, tỷ lệ 3 đất: 1 phân ủ hoai : 1 mùn cưa ủ hoai.
+ Dớn khô: ngâm trong nước 10 – 15 phút cho ngấm đủ nước, đóng vào chậu/cốc.
4.2. Cách trồng và chăm sóc:
+ Trồng từng cây Lan Kim tuyến vào chậu/ cốc có giá thể, chú ý dùng tay ấn chặt vừa phải phần giá thể xung quanh gốc cây, rễ cây chìm hẳn trong giá thể.
(có thể trồng thành cụm 2-3 cây/ chậu(cốc), trồng theo cụm cây phát triển nhanh hơn.
+ Dùng mảnh nilon trùm kín các chậu/ cốc lan trong 5 -7 ngày đầu, sau đó bỏ nilon ra.
+ Dùng lưới đen che kín phía trên nilon (nếu trồng ngoài trời)/ hoặc để ở nơi râm mát thì không cần che lưới đen. Chú ý không để cây trực tiếp ngoài nắng.
+ Ngày tưới 2 lần dạng phun sương (dùng bình phun sương tưới) đủ ẩm cho giá thể (không tưới quá đẫm gây thối rễ). Ngày mưa ẩm thì tưới 1 lần/ ngày hoặc 1 lần/2 ngày tùy thuộc độ ẩm của giá thể.
+ Định kỳ 2 – 3 tuần tưới phân 1 lần: dùng phân bón qua lá MD 101(7,5N:2P:0,3K) hoặc HVP (30N:10P:10K) hay bất kỳ loại phân bón qua lá dùng cho sẵn có (pha theo hướng dẫn rồi phun).
+ Sau khi trồng 4-5 tuần, cây cứng cáp, có 4 -5 đốt thân thì có thể cắt phần ngọn (2-3 đốt) đem giâm thành cây mới (chú ý: phần ngọn đã có 1 -2 rễ khí sinh ở đốt thì hãy cắt giâm). Phần gốc chăm sóc bình thường để cho ra các chồi mới ở đốt phía dưới.