Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam › Diễn đàn › Chuyên mục thảo luận BI & CSR › Hãy là người tiêu dùng có trách nhiệm
Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Nguyễn Thanh Phương 4 năm, 3 tháng trước.
-
Người viếtBài viết
-
19-08-2020 vào lúc 20:39 #2367
Có bao giờ bạn nghĩ những gì mình đang mua, đang sử dụng để chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cũng có thể góp phần tàn phá môi trường? Góp phần làm suy kiệt tài nguyên? Hay gián tiếp tạo ra sự bất công trong xã hội?
Sự thật về công dụng của nấm ngọc cẩu, sừng tê giác
Chúng ta hẳn còn nhớ cách đây không lâu, nhà nhà người người đã đi tìm mua nấm ngọc cẩu bởi nhiều người truyền tai nhau về công dụng ngoài sức tưởng tượng dành cho chuyện vợ chồng. Loại “nấm” này đã có lúc đội giá lên tới cả triệu đồng một cân. Chỉ từ một lời đồn đoán chưa chắc chắn cơ sở khoa học, người dân cũng như các thương lái đã lùng sục khắp vùng núi Hà Giang để tìm cho bằng được loại thảo dược vốn được dùng chủ yếu bởi đồng bào người Dao này.
Chưa bàn đến công dụng của nấm ngọc cẩu đến đâu, nhưng theo bác sĩ Hoàng Sầm – Chủ tịch hội đồng Viện Y học bản địa Việt Nam: “Việc nói quá sự thật về Ngọc cẩu chỉ có hại cho sự đa dạng quần thể thiên nhiên Việt Nam mà thôi”. Đó là chưa kể trong tự nhiên có những loài thực vật có bề ngoài na ná nhau, nếu nhầm lẫn với các loài khác, đem ngâm rượu uống rồi dẫn tới ngộ độc thì tiền mất lại tật mang.
Lâu hơn một chút, Việt Nam chúng ta đã được cả thế giới nhắc đến nhưng không theo một cách trân trọng mà với tư cách thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới cùng với Trung Quốc. Sừng tê được các gia đình giàu có không tiếc tiền tiếc công tìm mua về với niềm tin rằng uống vào có thể chữa bách bệnh, kể cả bệnh ung thư.
biotrade, biotrade la gi, duoc lieu sach
Sừng tê giác
Một thực tế rằng sừng tê giác lại không phải là một loại “thần dược” như nhiều người vẫn nghĩ. Đây chỉ là một vị thuốc dùng kết hợp trong các bài thuốc, tức là nếu sử dụng riêng sừng tê giác sẽ không có tác dụng chữa bệnh.
Hơn nữa, sừng tê giác cũng ít được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh vì có thể thay thế được bằng nhiều vị thuốc khác đơn giản hơn mà dễ tìm, tiết kiệm. Thế nhưng, vì niềm tin hết sức cảm tính này, người ta không gớm tay giết cả một con tê giác để lấy sừng.
Và kết quả là hàng ngàn cá thể tê giác tại châu Phi bị tiêu diệt, có loài đã tuyệt chủng vĩnh viễn. Chưa biết những người đã dùng sừng tê có khỏe mạnh hơn hay không nhưng đất nước chúng ta đã chịu tiếng xấu, bị nhìn nhận như một dân tộc kém văn minh và phải nhận ánh mắt soi mói nghi ngờ khi ra vào các nước châu Phi.
Hãy là người tiêu dùng có trách nhiệm
Trong bối cảnh của một đất nước đang phát triển mạnh mẽ từng ngày, áp lực cuộc sống, áp lực công việc khiến chúng ta khao khát được khỏe mạnh. Điều này không có gì sai, nhưng cái sai là ở chỗ chúng ta đã để cho bản thân mình trở nên ích kỉ, chỉ mong khỏe mạnh cho mình mà không quan tâm những gì mình làm có thể gây hại cho môi trường, cho nền đa dạng sinh học. Nếu rừng bị tàn phá, nguồn nước bị ô nhiễm, động vật không còn nơi sinh sống và phát triển thì chúng ta cũng không có không khí, thức ăn, nước uống và chắc chắn không có thuốc chữa bệnh.
Nhìn sang các nước phát triển hiện đã đi sâu vào thời kì hậu công nghiệp, người dân ở đó mong muốn đồng tiền mình bỏ ra không chỉ mang lại lợi ích cho mình mà còn phải mang lại hạnh phúc cho người sản xuất, người phân phối cũng như góp phần bảo vệ thiên nhiên, sự công bằng và quyền con người. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho một sản phẩm từ gỗ dán nhãn FSC – Chứng nhận bảo vệ rừng bởi họ biết nhà sản xuất không chặt phá rừng nguyên sinh mà chỉ khai thác từ vùng được quy hoạch.
20170202142800-1
Nông sản và mỹ phẩm nếu có chứng nhận FairTrade cũng được người tiêu dùng hoan nghênh bởi quyền lợi và đời sống của những người nông dân sản xuất ra nguyên liệu cho sản phẩm họ đang dùng được đảm bảo. Hay như tiêu chuẩn BioTrade hiện đang được chú ý đến dành cho các nhà sản xuất cam kết khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Chúng ta đã cùng nhau nói không với hàng giả hàng nhái, nói không với thực phẩm bẩn, nói không với những nhãn hàng vi phạm các giá trị đạo đức. So với năm mười năm trước, người tiêu dùng của chúng ta đã thông thái hơn rất nhiều: biết kiểm tra số lô sản xuất, ngày hết hạn, biết đọc thành phần và chỉ tiêu chất lượng, biết đi tìm những nguồn hàng hữu cơ.
Không sớm thì muộn cũng sẽ đến lúc chúng ta phải đạt đến tiêu dùng có trách nhiệm, và khi đó các nhà sản xuất sẽ càng được khuyến khích để cùng nhau tạo nên một nền công nghiệp mới, nền công nghiệp xanh và nhân văn.
(Sưu tầm) -
Người viếtBài viết
Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.