Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam Diễn đàn Chuyên mục thảo luận BI & CSR Đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực kinh doanh thảo dược Trong

Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Phạm Hải Bình Phạm Hải Bình 3 năm, 10 tháng trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #2552
    Phạm Hải Bình
    Phạm Hải Bình
    Thành viên

    Đạo đức kinh doanh là gì?
    Đạo đức kinh doanh là tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh (cá nhân và doanh nghiệp).
     Đạo đức kinh doanh đạt được vì bản thân doanh nghiệp cho rằng các nguyên tắc, chuẩn mực này là điều đúng nên làm, hoặc do quy định của pháp luật, hoặc do đòi hỏi của thị trường và người tiêu dùng mà nếu không tuân thủ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
    Chính sự lên tiếng và đòi hỏi của người tiêu dùng về môi trường, về điều kiện lao động, hay về an toàn và chất lượng sản phẩm đã tạo ra sức ép công luận và những thay đổi lớn trong luật pháp khiến các tập đoàn, công ty phải thể chế hóa giá trị đạo đức trong thực hành kinh doanh của họ.
    99.7% người trả lời sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm từ các doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức. Đáng chú ý, 75% người trả lời có mức sẵn sàng chi trả thêm cao. Càng lớn tuổi, người trả lời càng có mức sẵn sàng chi trả thêm cao hơn để mua sản phẩm từ các doanh nghiệp có đạo đức. Nữ giới có xu hướng có mức sẵn sàng chi trả thêm cao hơn nam giới.
    Người trả lời có mức sẵn sàng chi trả thêm cao nhất với khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm an toàn sức khoẻ, minh bạch nguồn gốc sản phẩm, và bảo vệ môi trường. Họ có mức sẵn sàng chi trả thêm thấp nhất khi doanh nghiệp thực hành liêm chính, có hoạt động từ thiện, xã hội, và đóng đủ thuế. Như vậy người trả lời có xu hướng quan tâm tới những vấn đề liên quan trực tiếp tới bản thân mình và môi trường, hơn là trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động và xã hội.
    Trách nhiệm xã hội là gì?
    Trách nhiệm xã hội là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ; cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”.(Theo nhóm phát triển kinh tế tư nhân – Ngân hàng thế giới world bank)
     Trách nhiệm xã hội là việc Doanh nghiệp không chỉ duy trì đạo đức kinh doanh mà còn có đóng góp nâng cao đời sống các gia đình trong xã hội thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng và toàn xã hội.
    Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm:
    1. Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng
    2. Trách nhiệm bảo vệ môi trường
    3. Trách nhiệm với người lao động
    4. Trách nhiệm chung với cộng đồng
    Kinh doanh vì trách nhiệm xã hội (BSR) – CSR là khi doanh nghiệp đạt được thành công thương mại theo cách tôn trọng các giá trị đạo đức và tôn trọng con người, cộng đồng và môi trường tự nhiên.
    Đặc thù kinh doanh thảo dược?
    Thảo dược là những cây trồng được dùng làm thuốc chữa bệnh. Những sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật tự nhiên được sử dụng để điều trị hoặc hỗ trợ điều trị bệnh. Thảo mộc nằm trên không hay dưới đất, trong hình dạng nguyên thủy hay được chế biến đều được coi là thảo dược. Tuy nhiên, khi có pha lẫn bất cứ hoá chất hay khoáng chất thì thuốc không còn là dược thảo nữa.
    Ví có tính đặc thù là thuốc chữa bệnh hoặc hỗ trợ điều trị bệnh cho nên những DN kinh doanh thảo dược cũng sẽ có tính đặc thù và trên cả cần có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm với xã hội.
    Các tiêu chuẩn sản xuất nông sản áp dụng cho thảo dược?
    Do đặc tính của thảo dược là cần được trồng tự nhiên nhất có thể để giữ được dược tính của cây thuốc cho nên dù muốn hay không thì người dân khi trồng hay khai thác thảo mộc cần phải hạn chế tối đa sự tác động của hóa chất nhất là hóa chất có hại như thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV, thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học… Chính vì vậy tiêu chuẩn áp dụng đối với cây thảo mộc cần thiết là tiêu chuẩn hữu cơ. Để đảm bảo việc mua bán thảo dược công bằng đối với những nông dân sản xuất nhỏ thì một số công ty mua thảo dược có thể yêu cầu đơn vị bán sản phẩm có chứng nhận fairtrade. Một số thảo mộc được khai thác trong rừng sâu và để chắc chắn rằng sự khai thác không làm kiệt quệ loại thảo dược đang được đơn vị thu mua mua lại từ đơn vị bán hàng, thì đơn vị thu mua có thể yêu cầu đơn vị bán đăng ký chứng nhận rainforest cho sản phẩm thảo dược của công ty.
    Đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội được thể hiện trong các tiêu chuẩn sản xuất nông sản như thế nào?
    Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội rất quan trọng trong tiêu chuẩn sản xuất nông sản và được thể hiện qua cả 3 tiêu chuẩn: hữu cơ, fairtrade, rainforest.
    • Hữu cơ: Có nhiều loại tiêu chuẩn hữu cơ trên Thế giới như tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn PGS, tiêu chuẩn IFOAM, tiêu chuẩn JAS, Tiêu chuẩn NOP (USDA), tiêu chuẩn Canada…
    Tuy nhiên xuyên suốt khi xây dựng các tiêu chuẩn hữu cơ là 4 nguyên tắc của sản xuất hữu cơ:
    – Sức khỏe: Các sản phẩm sản xuất hữu cơ cần đảm bảo sức khỏe cho mọi đối tượng của chuỗi, từ đất, các vi sinh vật, động thực vật, người sản xuất, người tiêu dùng, …
    Như vậy đối với đơn vị sản xuất kinh doanh thảo dược thì nguyên tắc sức khỏe được đặt lên hàng đầu, giữ vững được nguyên tắc này thì đơn vị kinh doanh đã thể hiện được một phần đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
    – Sinh thái: Khi sản xuất hữu cơ người sản xuất luôn phải đảm bảo cân bằng hệ sinh thái, ngay cả khi khai thác các sản phẩm từ tự nhiên thì người nông dân cần đảm bảo không khai thác quá mức khiến cho chủng loại cây/con đang khai thác bị triệt tiêu khỏi môi trường tự nhiên.
    Nguyên tắc sinh thái thể hiện rất rõ trách nhiệm xã hội của đơn vị sản xuất kinh doanh thảo dược, trách nhiệm với hàng xóm, với môi trường sống với toàn xã hội.
    – Công bằng: Nguyên tắc này nhằm đảm bảo tất cả các mắt xích trong chuỗi sẽ được đảm bảo quyền lợi công bằng cho tất cả các bên (người sản xuất, người thu mua, người vận chuyển, người phân phối, người tiêu dùng…) ngay cả động thực vật, vi sinh vật cũng cần sự công bằng đối xử khi tham gia và chuỗi. Người sản xuất cần được người mua đảm bảo trả đúng trả đủ các khoản tiền hàng cũng như phúc lợi đã cam kết, cũng như đảm bảo rằng người mua sẽ nhận được đúng loại sản phẩm với chất lượng mà nhà sản xuất cam kết cung cấp.
    Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh thảo dược có đạo đức kinh doanh và có trách nhiệm xã hội thì luôn thực hiện nguyên tắc công bằng này trong kinh doanh. Thể hiện rõ nhất ở việc mức giá chi trả cho nông dân/ nhân công tham gia sản xuất cần công bằng, xứng đáng với sức lao động họ đã cống hiến, cũng như việc mức giá bán sản phẩm trên thị trường cần sát với giá trị của sản phẩm đối với người mua.
    – Cẩn trọng: Trong sản xuất hữu cơ nguyên tắc cẩn trọng được đề cao và thường gây tranh cãi nhiều nhất. Bởi lẽ sản xuất hữu cơ không cho phép áp dụng các phương pháp hoặc kỹ thuật sản xuất (cả truyền thống hoặc hiện đại) mà chưa nắm rõ được hậu quả của việc áp dụng phương pháp kỹ thuật đó có hại cho cây trồng, vật nuôi hay con người (ví dụ: Công nghệ gen… không được áp dụng trong sản xuất hữu cơ và cấm sử dụng các vật tư đầu vào là sản phẩm biến đổi gen GMOs)
    Việc giữ nguyên tắc cẩn trọng trong sản xuất kinh doanh thảo dược là vô cùng cần thiết vì đặc thù của thảo dược là có dược tính và thường là dùng làm thuốc điều trị hoặc hỗ trợ điều trị bệnh.Chính vì vậy nên việc thiếu cẩn trọng trong kinh doanh thảo dược (ví dụ quảng cáo sai sự thật hoặc nói quá về 1 đặc tính mà thảo dược đó không có hoặc chưa được nghiên cứu) có thể coi là thiếu trách nhiệm với xã hội và vi phạm đạo đức trong kinh doanh (nếu nói nặng hơn có thể cho là lừa dối người tiêu dùng).
    • Fairtrade:Fairtrade dịch sang tiếng Việt có nghĩa là Thương mại công bằng, là một chứng chỉ do FLO-Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương Mại Công Bằng (Fairtrade Labelling Organization International) Về tiêu chuẩn của tổ chức này bao gồm 107 tiêu chí, trong đó có 38 yêu cầu tối thiểu và 69 yêu cầu cải tiến.
    Tổ chức Thương mại Công bằng Thế giới (WFTO) quy định 10 tiêu chuẩn mà các tổ chứcFair Trade phải áp dụng trong công việc hàng ngày của họ, và thực hiện việc giám sát nhằm đảm bảo các nguyên tắc này được duy trì.
    1. Tạo ra cơ hội cho những người sản xuất nhỏ bị thiệt thòi về kinh tế
    2. Thông tin công khai và minh bạch
    3. Hành vi trong kinh doanh
    Tổ chức kinh doanh phải đảm bảo các vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường lành mạnh cho các nhà sản xuất nhỏ, và không được tối đa hóa lợi nhuận của họ.Các nhà cung cấp Fair Trade khi nhận được khoản thanh toán từ người mua hàng, đảm bảo rằng khoản thanh toán này được được chuyển cho người sản xuất hoặc người nông dân, những người làm ra các sản phẩm Fair Trade.
    Người mua hàng phải bàn bạc với nhà cung cấp trước khi hủy hoặc không chấp nhận lô hàng…

    4. Công bằng trong thanh toán
    5. Lao động trẻ em và lao động bị ép buộc
    Tổ chức phải tôn trọng Hiệp định của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, và pháp luật của quốc gia / địa phương về vấn đề lao động trẻ em.
    6. Không phân biệt đối xử, Bình đẳng giới và Quyền tự do
    7. Các điều kiện làm việc đảm bảo an toàn và lành mạnh cho người lao động, và cho các thành viên của tổ chức. Tổ chức phải tuân thủ luật pháp quốc gia và địa phương, và Hiệp định ILO về sức khỏe và an toàn lao động.
    8. Khả năng phát triển quy mô sản xuất và năng lực của người sản xuất
    9. Đẩy mạnh Fair Trade
    10. Bảo vệ môi trường
    Tóm lại: đơn vị có chứng nhận fairtrade cần đảm bảo đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội theo cam kết và có sự thanh tra quá trình thực hiện của tổ chức đánh giá
    Ví dụ: Người sản xuất được đảm bảo ở một mức giá tối thiểu, trong đó có bao gồm các chi phí về sản xuất và trách nhiệm môi trường, xã hội.
    – Người sản xuất được nhận một khoản hỗ trợ phát triển bổ sung, không liên quan đến giá cả liên thị trường thế giới, nhằm xây dựng các chương trình phát triển trong cộng đồng, ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, y tế, hệ thống cho vay và gửi tiết kiệm, cơ sở hạ tầng, mua sắm may móc, tăng cường tổ chức hệ thống.
    – Thỏa thuận với nhà nhập khẩu hoặc người mua tốt nhất là trong dài hạn.
    – Sản xuất và thương mại hóa trên địa điểm sản xuất một cách minh bạch.
    – Điều kiện làm việc hợp lệ: không sử dụng lao động trẻ em, lao động bị ép buộc.
    – Các điều kiện môi trường tự nhiên tại nơi canh tác các sản phẩm xuất khẩu cần được đảm bảo.
    Đây là chứng nhận quan trọng đặc biệt nhắm đến thương mại công bằng và đảm bảo đạo đức kinh doanh cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
    • Rainforest
    Sản phẩm mang dấu chứng nhận Rainforest Alliance Certified cho trang trại hoặc khu rừng được hiểu trang trại và rừng được quản lý theo tiêu chuẩn môi trường, xã hội và kinh tế chặt chẽ được thiết kế để bảo tồn động vật hoang dã; bảo vệ đất và nguồn nước; bảo vệ công nhân, gia đình và cộng đồng địa phương; và tăng sinh kế để đạt được sự thật, bền vững lâu dài.

    Về nông nghiệp

    Chứng nhận Rainforest Alliance thường xuyên được đánh giá bởi các chuyên gia trong Mạng Nông nghiệp bền vững (SAN). Những chuyến viếng thăm này, cùng với kiểm toán bất ngờ thường xuyên, đảm bảo rằng nông dân đang thực hiện theo hướng dẫn toàn diện của SAN và đang làm việc hướng tới cải tiến liên tục. Các trang trại đã được cấp dấu chứng nhận Rainforest Alliance đang từng bước:
    – Duy trì hoặc tăng độ che phủ cây
    – Bảo tồn chất lượng đất và chống xói mòn
    – Giảm sử dụng hóa chất
    – Bảo vệ động vật hoang dã
    – Đảm bảo các phúc lợi của người lao động và gia đình của họ bằng cách tạo điều kiện tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe

    Về lâm nghiệp
    Rainforest Alliance đã đưa ra chương trình chứng nhận rừng bền vững đầu tiên trên thế giới vào năm 1989 để khuyến khích việc quản lý rừng, trang trại cây giống và tài nguyên rừng theo định hướng thị trường và có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
    Thanh tra viên sẽ đánh giá các công ty khai thác gỗ và các doanh nghiệp lâm nghiệp khác đối với các tiêu chuẩn toàn cầu được tôn trọng của Hội đồng quản lý rừng (FSC), mà Rainforest Alliance đã giúp thành lập vào năm 1993. Tiêu chí FSC yêu cầu các doanh nghiệp lâm nghiệp:
    – Bảo vệ các loài bị đe dọa và các khu vực rừng có giá trị bảo tồn cao
    – Dành một phần đất như khu bảo tồn rừng
    – Cung cấp công nhân với mức lương khá và bảo vệ khả năng của họ để tổ chức
    – Thực hiện theo các hướng dẫn FSC xác định như thế nào, khi nào và nơi rừng gỗ và sản phẩm ngoài gỗ được thu hoạch
    – Tôn trọng quyền của các cộng đồng địa phương và người dân bản địa

    Như vậy việc được cấp chứng nhận rainforest cho trang trại hoặc rừng thì doanh nghiệp sản xuất, khai thác đã phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, đảm bảo phúc lợi xã hội và thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, xã hội trong quá trình kinh doanh, khai thác tài nguyên.
    Trên đây là 3 tiêu chuẩn với 3 chứng nhận phổ biến cho nông sản cũng như dược liệu trên thị trường hiện nay cả trong nước và xuất khẩu.
    Tuy mang tính chất khác nhau nhưng cả 3 bộ tiêu chuẩn đều cho thấy việc đánh giá 1 sản phẩm được thể hiện không chỉ qua việc sản xuất sản phẩm đó tốt hay không mà còn thông qua việc đánh giá hành vi kinh doanh của doanh nghiệp, thể hiện đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đặc biệt một doanh nghiệp cho dù đã được cấp cả 3 chứng nhận trên đây nhưng có hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh và xem thường trách nhiệm xã hội thì các chứng nhận này chắc chắn bị thu hồi và điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp

    (Ths.Đặng Thị Bích Hường – Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam)
    Bài trình bày trong hội thảo Ngày sáng tạo BI_CSR

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.