Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Cây hoàng tinh hoa trắng

Tên gọi:

  • Tên thường dùng: Hoàng tinh trắng
  • Tên khoa học: Disporopsis Longifolia
  • Tên khác: Vạn thọ trúc giả lá dài
  • Thuộc Bộ: Bộ Măng Tây (Asparagales); Họ: Mạch Môn (Convallariaceae); Chi: Disporopsis; Loài: D. Longifolia

Đặc điểm nhận dạng:

Cây thảo, sống nhiều năm, cao 0,5 – 1,2 m. Thân rễ nạc, gồm nhiều cục gắn với nhau thành chuỗi, phân nhánh, nằm ngang; đường kính 2 – 3 cm. Thân mang lá nhẵn, lúc non có đốm tím hồng, sau xanh trắng, đường kính 0,3 – 0,6 cm. Lá mọc so le, cuống ngắn; phiến lá thuôn hay mác dài, nhọn 2 đầu, 10 – 20 x 2,5 – 3,5 cm, 5 gân chính hình cung. Cụm hoa gồm 5 – 7 cái, mọc ở kẽ lá, có cuống dài 0,6 – 1cm. Hoa màu trắng, bao hoa hình chén, đầu chia 6 thuỳ tam giác. Nhị 6, đính ở miệng ống; chỉ nhị dẹp, có tai ở đầu. Quả thịt; hình cầu, đường kính 0,4 – 0,5 cm. Khi chín từ màu xanh chuyển sang màu trắng. Hạt nhỏ.

Sinh học và sinh thái:

Mùa hoa tháng 3 – 5, quả tháng 5 – 9. Nhân giống tự nhiên bằng hạt. Cây con thường thấy xung quanh gốc cây mẹ. Phần thân mang lá lụi hàng năm vào mùa đông, chồi mới mọc từ thân rễ vào đầu mùa xuân. Thân rễ bị gãy, phần còn lại vẫn có thể tái sinh. Cây đặc biệt ưa ẩm và ưa bóng. Thường mọc thành khóm trên đất ẩm nhiều mùn hay trên các hốc đá, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm – đặc biệt là ở rừng núi đá vôi, ở độ cao khoảng 400 – 1500 m.

Phân bố:

Trong nước: Lai Châu (Phong Thổ), Điện Biên, Lào Cai (Mường Khương, Bát Xát, Than Uyên, Văn Bàn), Sơn La (Mường La), Hà Giang (Quản Bạ, Bắc Mê), Cao Bằng (Quảng Hoà), Bắc Kạn (Ba Bể, Na Rì), Thái Nguyên (Tam Đảo), Lạng Sơn (Tràng Định, Bắc Sơn), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hà Tây (Ba Vì), Hoà Bình (Mai Châu), Ninh Bình (Cúc Phương).

Thế giới: Trung Quốc, Thái Lan, Lào.

Bộ phận dùng

– Thân rễ đã được loại bỏ gốc thân và rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy ở nhiệt độ thấp. Dược liệu dài 5 – 10 cm, mang nhiều đốt, hình chùy hoặc con quay, dính liền với nhau thành một khối. Mặt ngoài màu vàng nâu đến nâu đen, có nhiều vết nhăn nheo. Trên mỗi đốt có một vòng màu nâu, mép có vết tích của thân khí sinh. Ngoài ra, còn có những vết tích rễ con, vết vảy của lá đã rụng.

– Chế biến: Đun dược liệu với nước để loại chất ngứa, rồi chế như hoàng tinh hoa đỏ.

Công dụng: Chữa tỷ vị hư nhược, suy kiệt, mệt mỏi, miệng khô biếng ăn, tinh huyết bất túc, nội nhiệt, tiêu khát; chữa âm hư, tỉnh tủy bất túc, suy lão sóm ở người cao tuổi; chữa lao phổi, ho ra máu.