Báo động tình trạng khai thác dược liệu kiểu tận diệt
Trong khi nguồn dược liệu trong nước ngày càng trở nên khan hiếm, thì thời gian gần đây người dân tại các huyện vùng cao như Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp… của tỉnh Sơn La ồ ạt vào rừng khai thác cây cu li (hay còn gọi là cây cẩu tích) với số lượng lớn để bán sang bên kia biên giới. Việc làm này dẫn đến tình trạng cạn kiệt cây cu li, kèm theo đó là diện tích rừng bị tàn phá ngày càng lớn.
Trồng cây dược liệu xóa đói, giảm nghèo
Để tiếp cận nơi người dân đang khai thác cây cu li, chúng tôi men theo con đường mòn độc đạo, với độ dốc ngày càng cao vào khu rừng thuộc xã Nà Ớt huyện Mai Sơn. Khi đôi chân dường như không thể nhích nổi nữa, chúng tôi mới gặp một nhóm đầu tiên gồm có 3 người đang miệt mài khai thác. Trên đường vào điểm khai thác cây cu li, chúng tôi gặp rất nhiều khoảng rừng bị phá tan hoang, trung bình từ 300-500m2 kèm theo đó là xác cây cu li vứt ngổn ngang sau khi bị người dân khai thác xong.
Tại khu rừng này hàng ngày có nhiều nhóm 3-5 người đi từ rất sớm để khai thác cây cu li. Tuy nhiên khi được hỏi về tác dụng của loại cây này thì đa số người khai thác ở đây đều không biết. Họ cũng không biết loại cây này được sử dụng với mục đích gì và việc khai thác “ồ ạt, bừa bãi” sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với hệ sinh thái rừng. Họ chỉ cần biết có người thu mua là vào rừng khai thác để bán.
Bà Lò Thị Liềng, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, cho biết: Bà và nhiều người đã khai thác cây cu li từ mấy năm qua, những năm trước không có ai mua thì cây mọc rất nhiều ở vạt rừng, giờ thì khó khăn hơn, muốn khai thác phải vào sâu trong rừng. Bà Liềng cũng chỉ biết cây này có tác dụng cầm máu, còn không biết người ta thu mua nhiều thế này để làm gì.
Dược sĩ Nguyễn Viết Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Sơn La cho rằng, cây cu li là một loại thuốc quý có tác dụng quan trọng trong việc bào chế thuốc chữa bệnh, năm 2015 bệnh viện đã sử dụng hơn 400kg cây cu li làm thuốc. Đây là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, việc người dân ồ ạt kéo nhau vào rừng khai thác như hiện nay làm cho nhiều loài cây dược liệu quý có nguy cơ bị tận diệt.
Mặc dù cu li là loại cây được phép khai thác, nhưng với tình trạng khai thác theo kiểu “tận diệt” như hiện nay, nếu các ngành chức năng không có biện pháp ngăn chặn thì sớm muộn nguồn dược liệu Việt Nam cũng trở nên kiệt quệ, khó có khả năng hồi phục.
Công Luật