Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam › Diễn đàn › Chuyên mục thảo luận BI & CSR › BI VÀ CSR GÓC NHÌN THỰC TẾ
Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Binh Pham Hai 2 năm, 9 tháng trước.
-
Người viếtBài viết
-
02-04-2022 vào lúc 20:33 #3241
BI VÀ CSR TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ CÂY THUỐC NAM:
GÓC NHÌN THỰC TẾ
TS. Lê Thị Minh Phương
1. Bối cảnh chung phát triển BI và CSR trong chuỗi giá trị cây thuốc nam tại Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng trong phát triển ngành khai thác và sản xuất các sản phẩm từ dược liệu. Nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên phong phú với khoảng 5000 loài thực vật đã được biết dùng để làm thuốc [1] [2]. và giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác [1]. Việc phát triển dược liệu theo các chuỗi giá trị được coi là một giải pháp hiệu quả giúp phát triển bền vững ngành dược liệu Việt Nam. Và chìa khóa giúp cho sự thành công của các chuỗi giá trị cây thuốc nam này là cần tăng cường thực hành BI và CSR của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cây thuốc nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững lĩnh vực trồng, chế biến, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cây thuốc nam, tạo sinh kế ổn định và lâu dài cho người dân [3] [4].
BI là sự áp dụng đạo đức trong môi trường kinh doanh, là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh (Warren) [5]. CSR là sự cam kết của doanh nghiệp nhằm đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cồng đồng và cho toàn xã hội theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của xã hội (Ủy ban Kinh tế Thế giới về phát triển bền vững (The World Business Council for Sustainable Development) [6]. BI và CSR du nhập vào Việt Nam khá muộn theo sự hiện diện của các công ty đa quốc gia trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhưng BI và CSR đã phát triển khá nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau trong đó có chuỗi giá trị cây thuốc nam. Có nhiều yếu tố tích cực đã thúc đẩy cho sự thực hiện BI và CSR tại Việt Nam như: Hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được đổi mới và điều chỉnh một cách sâu rộng, từ hiến pháp đến hệ thống Luật, Nghị định, các vấn đề nhằm cân bằng giữa lợi ích doanh nghiệp và môi trường, cộng đồng đã được đề cập trong nhiều bộ luật. Việc mở cửa cho thương mại và đầu tư kể từ cuối những năm 1980 đã tạo ra những bước ngoặt lớn trong sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Đồng thời, qua đó các doanh nghiệp của Việt Nam cũng bắt đầu phải làm quen và thực thi BI và CSR. Với bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Yêu cầu của thj trường thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện BI và CSR nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như uy tín và vị thế trên thị trường. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sánh hỗ trợ phát triển các nghành nghề như chủ trương xây dựng và và triển các vùng dược liệu đã tạo điều kiện cho phát triển ngành dược liệu đồng thời thúc đầy thực hiện BI và CSR. Bên cạnh đó Nhiều tổ chức xã hội dân sự đã hình thành và đi vào hoạt động trong đó nhiều tổ chức đã tập huấn và tham gia vận động thực hiện các tiêu chuẩn và qui định của BI và CSR.
Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái là một tổ chức khoa học công nghệ đã triển khai dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”, do Phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam tài trợ. Dự án thực hiện trong thời gian: 11/2017 – 4/2022, tại tỉnh Yên Bái (2 huyện) và cấp quốc gia với Mục tiêu là thúc đẩy sự đóng góp của các Tổ chức xã hội nhằm nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam qua đó cải thiện kiến thức và thực hành BI và CSR của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cây thuốc nam.
2. Thực trạng kiến thức, thái độ, thực hành BI và CSR của các tác nhân trong chuỗi giá trị cây thuốc nam trước và sau các hoạt động can thiệp của dự án
Dự án đã triển khai khảo sát, đánh giá về thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành BI và CSR của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cây thuốc nam đồng thời cũng đã có những hoạt động can thiệp cải thiện kiến thức và thực hành BI và CSR của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cây thuốc nam. Từ kết quả thực tiễn cho thấy về kiến thức, tại thời điểm trước can thiệp tỉ lệ tác nhân có kiến thức đúng về BI và CSR chỉ ở mức 57,1 – 97,1%, sau các hoạt động can thiệp tỉ lệ này là 100% ở các 3 nhóm tác nhân. Sau can thiệp tỉ lệ đối tượng có kiến thức trung bình trở lên chiếm tỉ lệ cao 74,1% cao hơn hẳn so với trước can thiệp (18,9%). Đáng chú ý là tỉ lệ đối tượng được đánh giá có kiến thức khá và tốt cũng tăng từ 11,8% (trước can thiệp) lên 36,5% (sau can thiệp). Tỷ lệ đối tượng có hiểu biết yếu trước can thiệp là 52,9% sau can thiệp chỉ còn 18,8% và tỷ lệ đối tượng hiểu biết kém giảm từ 28,2% (trước can thiệp) xuống còn 7,1 % (sau can thiệp). Từ kết quả trên cho thấy tác động của tích cực của các hoạt động trong dự án đến các đối tượng. Về thái độ, Sau can thiệp 100% đối tượng tham gia khảo sát có mong muốn tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức và thực hành về BI và CSR. Không có đối tượng nào không muốn tham gia, tỷ lệ giảm rõ rệt so với trước can thiệp là 5,9%. (p<0,05). Điều này là do đa số các đối tượng khảo sát đã tham gia vào các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức và thực hành về BI và CSR của án và nhận thấy được lợi ích của các hoạt động này đối với công việc thực tế của họ. Về thực hành, trước cam thiệp chỉ có một số nội dung về BI và CSR là được các tác nhân có quy định thực hiện như bảo vệ chất lượng cây thuốc, sản phẩm, bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ khách hàng với tỉ lệ chỉ từ 7 – 81,3%. Sau các hoạt động can thiệp của dự án nhiều các tác nhân đã có các quy địn thực hiện nhiều nội dung của BI và CSR với tỉ lệ cao 76,3 – 100%. Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc thực hiện các bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng dược liệu theo tiêu chuẩn quốc gia cũng như các tiêu chuẩn quốc tế nhằm hướng đến xuất khẩu là yêu cầu cấp bách. Sau can thiệp của dự án, tỉ lệ đối tượng thực hiện đảm bảo chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn đã tăng rõ rệt với tỉ lệ thực hiện tiêu chuẩn VietGAP, GCAP-WHO lần lượt là 32,6%, 34,9%, cao hơn hẳn so với trước can thiệp 4,7% và 23,3%. Tỉ lệ đánh giá chất lượng cây thuốc chỉ dựa trên kinh nghiệm đã giảm chỉ còn 46,5% so với 62,8% trước can thiệp. Tuy nhiên tỉ lệ này vẫn còn cao, đòi hỏi cần tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ để người trồng cây thuốc có thể thực hiện đảm bảo chất lượng cây thuốc theo các bộ tiêu chuẩn để tiếp cận được thị trường tốt hơn. Đáng chú ý ở khảo sát cuối kỳ có 7% đối tượng khảo sát thực hiện đảm bảo chất lượng cây thuốc theo tiêu chuẩn Hữu cơ Châu âu (Organic EU). Đây là tiêu chuẩn là bộ tiêu chuẩn gồm những yêu cầu cơ bản dành riêng cho việc sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm mang hoặc dự kiến mang nhãn hàng hóa đặc thù liên quan đến các phương thức canh tác hữu cơ. Việc thực hiện đảm bảo chất lượng dược liệu theo tiêu chuẩn này sẽ giúp cho các sản phẩm từ cây thuốc có thể tiếp cận đến những thị trường quốc tế, mang lại tiềm năng phát triển lớn cho dược liệu Việt Nam. Sau can thiệp tỉ lệ thực hành các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh sản suất, bảo vệ khách hàng, bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường ở từng nội dung chi tiết cũng đều tăng lên rõ rệt so với trước can thiệp.
3. Những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện BI và CSR của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cây thuốc nam
Từ thực tiễn hoạt động của dự án cũng cho thấy việc triển khai BI và CSR của các tác nhân trong chuỗi giá trị cây thuốc nam có một số thuận lợi như (1) Phát triển vùng trồng dược liệu bền vững là chủ trương của chính phủ và địa phương, (2) Sự ủng hộ của cơ quan địa phương và các tác nhân trong chuỗi giá trị cây thuốc nam đối với thực hiện hiện đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, (3) Huy động được nguồn lực xã hội, (4) Xu hướng của thị trường tiêu thu dược liệu đảm bảo chất lượng và an toàn, (5) Địa phương có tiềm năng về cây thuốc, bài thuốc nam. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có rất nhiều khó khăn như (1) Đặc thù địa bàn phức tạp và văn hóa đa dạng; (2) Giám sát sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả còn nhiều khó khăn, đặc biệt khi sử dụng ở cộng đồng gây ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm tốt từ cây thuốc nam; (3) Thị trường dược liệu chưa được quản lý tốt; (4) Công tác kế thừa còn chưa được thực hiện tốt; (5) Người trồng cây thuốc còn thiếu kiến thức, quy mô sản xuất nhỏ, chưa có đầu ra cho sản phẩm; (6) Thiếu các chính sách hỗ trợ phù hợp; (7) Địa phương chưa có quy định riêng về thực hiện đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, (8) Thiếu các chế tài xử lý đơn vị vi phạm quy định; (9) Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn; (10) Sự thực hiện cam kết của các tác nhân còn chưa tốt.
4. Một số biện pháp thúc đẩy thực hiện BI và CSR đã được các tác nhân thực hiện
Để tận dụng được những thuận lợi và khắc phục các khó khăn, cả cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các tác nhân trong chuỗi giá trị cây thuốc nam đã triển khai nhiều biện pháp cũng như ý tưởng sáng tạo nhằm thúc đẩy thực hiện BI và CSR trong chuỗi giá trị cây thuốc nam như: Tuyên truyền, tập huấn, khuyến khích, giám sát thực hiện quy định chung của pháp luật; Tổ chức và giám sát thực hiện đảm bảo chất lượng cây thuốc, sản phẩm; Hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính; Hỗ trợ người kinh doanh dược liệu và người trồng dược liệu về kiến thức, kỹ năng, tiếp cận vốn; Hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu; Xúc tiến thương mại, nghiên cứu phát triển sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển dược liệu; Quản lý và giám sát hoạt động của các tác nhân; Công khai và ổn định giá thành sản phẩm; Xây dựng giá trị cốt lõi và triết lý kinh doanh hướng đến BI và CSR; Đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả qua thực hiện quy chế chuyên môn, đấu thầu.
5. Một số đề xuất
Như vậy để thúc đẩy thực hiện BI và CSR trong chuỗi giá trị cây thuốc nam, bên cạnh một số giải pháp đã được thực hiện ở trên, một số đề xuất sau đây cần được quan tâm thực hiện để việc triển khai BI và CSR trong chuỗi giá trị cây thuốc nam được thực hiện hiệu quả hơn nữa: Cần thúc đẩy xây dựng, thực hiện các quy định và chế tài cụ thể đối với việc thực hiện BE và CRS phù hợp với thực tế. Có các chính sách phù hợp phát triển ngành dược liệu bền vững theo các bộ tiêu chuẩn chung của quốc tế và khu vực. Có các biện pháp đảm bảo ổn định thị trường dược liệu thông qua nâng cao năng lực điều tiết thị trường dược liệu của cơ quan chức năng. Huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường. Cần có các biện pháp hỗ trợ kết nối giữa các tác nhân và tác nhân và giữa các tác nhân với các viện nghiên cứu triển sản phẩm từ dược liệu, các cải tiến trong quy trình trồng và sản xuất sản phẩm từ dược liệu. Cần có các hoạt động đào tạo nâng cao kiến thức, tư vấn giải pháp và hỗ trợ thực hiện BE và CRS theo đặc thù của từng nhóm tác nhân. -
Người viếtBài viết
Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.