Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam Diễn đàn Thảo luận về vùng trồng Ða dạng sinh học và tiềm năng to lớn của cây thuốc Việt Nam

Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Binh Pham Hai Binh Pham Hai 3 năm trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #3187
    Binh Pham Hai
    Binh Pham Hai
    Thành viên

    Ða dạng sinh học và tiềm năng to lớn của cây thuốc Việt Nam

    SKĐS – Từ thời thượng cổ đến nay, cây thuốc vẫn luôn giữ vai trò trọng yếu trong việc duy trì sức khỏe và hạnh phúc của các cộng đồng người trên toàn thế giới.
    Từ thời thượng cổ đến nay, cây thuốc vẫn luôn giữ vai trò trọng yếu trong việc duy trì sức khỏe và hạnh phúc của các cộng đồng người trên toàn thế giới. Việt Nam may mắn nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa nóng ẩm của châu Á với 3/4 diện tích phần lục địa là đồi núi, trải dài từ Bắc xuống Nam. Những điều kiện tự nhiên như vậy đã thực sự ưu đãi cho đất nước ta một hệ thống sinh thái rừng phong phú và đa dạng.
    Theo thống kê sơ bộ, nước ta có tới gần 12.000 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc hơn 2.256 chi, 305 họ (chiếm 4% tổng số loài, 15% tổng số chi, 75% tổng số họ thực vật trên toàn thế giới). Không chỉ có vai trò là lá phổi xanh điều hòa khí hậu, hệ thực vật rừng còn mang đến một tiềm năng to lớn về tài nguyên cây thuốc nói riêng cùng với tài nguyên dược liệu nói chung.

    Đa dạng sinh học của cây thuốc
    Tại Việt Nam, việc nghiên cứu về cây thuốc đã được tiến hành từ rất sớm, gắn liền với tên tuổi của nhiều danh y nổi tiếng như: Thiền sư Tuệ Tĩnh với bộ “Nam Dược Thần Hiệu” viết về 499 vị thuốc Nam, trong đó có 241 vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với bộ “Lĩnh Nam Bản Thảo” gồm 2 quyển: quyển thượng chép 496 kế thừa của Tuệ Tĩnh, quyển hạ ghi 305 vị bổ sung về công dụng hoặc mới phát hiện thêm.

    Thời kỳ Pháp thuộc, các nhà thực vật học phương Tây đã thống kê trên toàn Đông Dương có 1.350 cây thuốc thuộc 160 họ thực vật khác nhau. Mãi đến khi miền Bắc được giải phóng (1954), Việt Nam mới có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc sưu tầm, nghiên cứu nguồn tài nguyên cây thuốc. Năm 1996, Võ Văn Chi đã công bố hệ thực vật làm thuốc ở Việt Nam có 3.200 loài (kể cả nấm). Đến năm 2005, Viện Dược liệu ghi nhận được ở Việt Nam có hơn 3.984 loài làm thuốc thuộc 307 họ của 9 ngành và nhóm thực vật bậc cao, thực vật bậc thấp và nấm; trong đó, gần 90% là cây thuốc mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu trong các quần xã rừng, chỉ 10% là được trồng.
    Gần đây nhất là thống kê của Võ Văn Chi trong cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” (2012) với số lượng loài thực vật được dùng làm thuốc là 4.700. Như vậy, số lượng cây thuốc được nghiên cứu khám phá tăng lên liên tục theo thời gian. Điều đó chứng tỏ, nếu tiếp tục điều tra đầy đủ, nguồn tài nguyên thực vật dùng làm thuốc ở Việt Nam có thể lớn hơn rất nhiều, ước tính có thể lên tới 6.000 loài.

    Các cây thuốc phân bố rộng khắp cả nước với 8 vùng trọng điểm là Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Trường Sơn, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; tập trung chủ yếu ở 5 trung tâm đa dạng sinh vật là Bạch Mã, Lâm Viên, Hoàng Liên Sơn, Cúc Phương, Yok Đôn và Cát Tiên. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: sâm Ngọc Linh, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ… trong đó, sâm Ngọc Linh (hay sâm Việt Nam) là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, cao hơn cả những loại sâm quý được nghiên cứu sử dụng lâu đời trên thế giới như sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc.

    Sự đa dạng sinh học về cây thuốc luôn có mối tương quan chặt chẽ với sự đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc và tri thức y dược học của mỗi quốc gia. Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc mà phần lớn là các dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc lại có tập quán, niềm tin và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc khác nhau.

    Hiện nay, đã tập hợp được 39.381 bài thuốc dân gian gia truyền của 12.531 vị lương y. Gần đây, nhiều dược phẩm còn được phát triển dựa trên tri thức sử dụng của cộng đồng như tri thức sử dụng cây Chè dây để chữa bệnh của người Tày ở Cao Bằng, hay tri thức sử dụng cây Tật lê chữa bệnh của người Chăm… Các hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển không ngừng các giá trị văn hóa dân tộc, đa dạng sinh học cây thuốc, đồng thời mở ra triển vọng cho việc phát triển những loại thuốc mới, mang lại một tương lai đầy hứa hẹn cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

    Bên cạnh đó, Việt Nam còn được thiên nhiên ưu đãi cho một phần địa hình thông với đại dương với chiều dài hơn 3.000km bờ biển, vùng biển rộng trên 1 triệu km2. Do vậy, cũng phải kể đến nguồn tài nguyên sinh vật biển nhiệt đới phong phú về số lượng, giàu có về hàm lượng. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra những hợp chất quý từ các loại rong biển, tảo biển cung cấp giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều tác dụng làm đẹp, làm thuốc, đặc biệt là các chất có tác dụng chống ung thư, chất kháng khuẩn, chống viêm, chữa tăng huyết áp… Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa được tập trung nghiên cứu nhiều.

    Tiềm năng to lớn của cây thuốc Việt Nam
    Những năm gần đây, việc sử dụng các thuốc có nguồn gốc tổng hợp hóa dược gặp nhiều bất cập và tác dụng phụ khôn lường, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, xu hướng sử dụng các thuốc có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên ngày càng nhiều, không chỉ ở các nước Á Đông mà còn ở các nước phương Tây.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số nông thôn và các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển, 1/4 số thuốc thống kê trong các đơn đều có chứa hoạt chất thảo mộc. Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 – 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc Y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Với một thị trường tiêu thụ nhiều như vậy, dược liệu nói chung và cây thuốc nói riêng đã mang lại giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào. Theo thống kê, trong năm 2012, doanh thu sản xuất thuốc từ dược liệu tại Việt Nam đạt 3.500 tỷ đồng (gấp 1.75 lần doanh thu năm 2010).

    Trong số những lượng đã tiêu thụ, có trên 2/3 khối lượng dược liệu được khai thác từ nguồn gốc cây thuốc mọc tự nhiên và trồng trọt trong nước. Riêng từ nguồn cây thuốc tự nhiên đã cung cấp tới 20-25 nghìn tấn mỗi năm. Khối lượng này trên thực tế mới chỉ bao gồm khoảng 300 loài được khai thác và đưa vào thương mại có tính phổ biến. Bên cạnh đó, có thể vẫn còn nhiều loài dược liệu khác được thu hái sử dụng tại chỗ nhưng chưa có con số thống kê cụ thể.

    Ngày nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế rất được các nhà khoa học quan tâm. Nhiều dược liệu đã được sử dụng để tách chiết các hoạt chất làm thuốc như: chiết berberin từ cây vàng đắng (Coscinium fenestratum), rutin từ hoa hòe (Shophora japonica), morphin từ cây thuốc phiện (Papaver somniferum), bêta – caroten và lycopen từ gấc (Mormodica cochichinensis), strychnin từ cây mã tiền (Strychnos nux-vomica), papain từ đu đủ (Carica papaya), diosdenin từ củ mài (Dioscorea deltoidea), curcumin từ nghệ vàng (Curcuma longa), menthol từ bạc hà (Metha arvesis)… Trong đó, có nhiều loại hoạt chất quan trọng như quinin, morphin, strychnin… đều phải chiết ra từ dược liệu mà chưa thể đi bằng con đường tổng hợp hóa học.

    Dược liệu còn mở đường cho ngành hóa dược phát triển. Ví dụ: dựa vào cấu trúc hóa học của ephedrin – hoạt chất được chiết xuất từ cây ma hoàng, người ta có thể xây dựng quy trình tổng hợp nên ephedrin bằng phương pháp tổng hợp hóa dược với chi phí và thời gian ít hơn. Hay từ cấu trúc của quinin trong canh ki na, artemisinin trong thanh cao hoa vàng, người ta cũng bán tổng hợp ra nhiều loại thuốc sốt rét khác có hiệu lực mạnh hơn. Tuy nhiên, số lượng cây thuốc để chiết xuất hoạt chất làm thuốc tại Việt Nam còn ở mức khiêm tốn (mới chỉ trong khoảng 50 loài).

    Từ thực tế trên cho thấy, số loài cây thuốc được sử dụng để phục vụ cộng đồng cũng như để phân lập các chất còn rất hạn chế so với tổng số cây thuốc đã được phát hiện. Với nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, cùng với vốn kinh nghiệm chữa bệnh của cộng đồng, các dân tộc người Việt chính là tiềm năng to lớn để nghiên cứu, chiết xuất các hoạt chất và tạo ra những loại thuốc mới từ dược liệu có hiệu lực chữa bệnh cao.

    Do vậy, Nhà nước đang có những giải pháp nỗ lực hơn nữa để phát huy thế mạnh dược liệu, đẩy mạnh ngành công nghiệp dược trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn và miền núi, đồng thời bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội, tạo nên hình ảnh Việt Nam – một cường quốc về dược liệu, khỏe mạnh, giàu có.

    TS. Lương y Phùng Tuấn Giang (Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam)

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.