Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Binh Pham Hai Binh Pham Hai 2 năm, 11 tháng trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #3198
    Binh Pham Hai
    Binh Pham Hai
    Thành viên

    Hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu
    Thời gian qua, công tác giảm nghèo và phát triển cây dược liệu trên địa bàn xã Trà Cang (Nam Trà My) có những chuyển biến tích cực. Phong trào trồng sâm, trồng cây dược liệu để thoát nghèo được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

    Từ cá nhân điển hình…

    Ông Hồ Văn Thống – thôn 2, Trà Cang là một trong những điển hình của xã làm giàu từ trồng cây dược liệu. Ông Thông cho biết: “Là một đảng viên, khi được cán bộ xã tuyên truyền về chủ trương bảo tồn và phát triển cây dược liệu gắn với công tác xóa đói giảm nghèo, gia đình tôi mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình trồng cây dược liệu để phát triển kinh tế. Tôi vận động các hộ dân trong làng cùng tham gia khảo sát vị trí đất và lập chốt trồng sâm Ngọc linh.”

    Để có vốn đầu tư cho việc trồng sâm Ngọc linh, gia đình ông Thông đã quyết định vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng. Với số tiền này, cùng với số tiền gia đình tích lũy, ông đã mua 120 cây sâm Ngọc linh giống và nửa lon hạt sâm Ngọc Linh để trồng. Thời điểm bắt đầu trồng, ông sang xã Trà Linh đi làm thuê để đổi công lấy giống sâm và học hỏi kinh nghiệm từ các hộ trồng sâm ở đây. Với kinh nghiệm học hỏi được, ông áp dụng và trồng thành công. Đến nay, sau hơn 5 năm trồng và chăm sóc, gia đình ông Thông đã có vườn sâm Ngọc Linh hơn 1.000 gốc có độ tuổi từ 01 đến 10 năm tuổi đang phát triển tốt, một số gốc đã ra hoa và bắt đầu cho hạt. Trung bình mỗi năm, sâm củ Ngọc Linh đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Số tiền đó ông tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích”.

    Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, gia đình ông Thông còn trồng thêm các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: sâm Nam, sâm Nước, lan kim tuyến, quế Trà My,… Trong đó, cây sâm Nam là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, thu nhập ổn định. Đây là loài cây rất phù hợp với thổ nhượng của địa phương và giống có sẵn trong tự nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây do nhiều người khai thác nên số lượng còn lại trong tự nhiên ít. Vì vậy, gia đình ông đã ươm hạt, sau đó nhổ đi trồng vào khu đất đã định sẵn. Ngoài ra, ông còn trồng xen sâm Nam với lúa rẫy. Sau khi thu hoạch lúa, ông tiếp tục làm cỏ, chăm sóc cây sâm. Sau gần 02 năm thì cho thu hoạch. Ông chọn thu hoạch từ tháng 9 đến cuối năm vì thời điểm này là giá sâm nam cao nhất. Đến nay, gia đình ông Thông đã trồng được hơn 01ha sâm Nam. Năm 2019, gia đình ông thu hoạch 01 rẫy sâm nam với diện tích khoảng 3.000 m2, thu được gần 300kg, với giá bán mỗi kg là 150.000 đồng, gia đình ông thu được hơn 40 triệu đồng. “Hiệu quả từ cây Sâm nam là vượt trội nhiều lần so với trồng lúa rẫy, thị trường đang có nhu cầu rất cao, do đó, trong thời gian đến, gia đình tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng sâm nam để phát triển kinh tế.” – ông Thông cho biết thêm.

    Cùng với sâm Nam thì cây quế cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Song song với quá trình khai thác quế thì gia đình ông Thông thường xuyên trồng mới và mở rộng diện tích trồng. Trong năm qua, gia đình ông tự ươm và trồng mới hơn 3000 gốc quế. Bên cạnh cây sâm nam, cây quế thì gia đình còn có nguồn thu thêm từ Sâm nước, lan kim tuyến, giảo cảo lam,… Tuy vậy, số lượng không đáng kể do đây là những cây gia đình mới trồng thử nghiệm. Các cây này đều cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định. Trong định hướng thời gian tới, gia đình ông sẽ mở rộng diện tích trồng các loại này để tăng thu nhập.

    …đến những nhóm hộ cùng trồng dược liệu

    Ông Hồ Văn Xiêm – Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Cang cho biết: “Xác định tầm quan trọng và giá trị của cây dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh, trong những năm gần đây, xã đã tập trung chỉ đạo phát triển loại cây này, quy hoạch các vùng trồng tại các thôn. Chú trọng tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, tập trung vào phát triển cây dược liệu. Đến nay, toàn xã có 26 nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh với khoảng hơn 600 ha; có 05 công ty thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc linh. Qua kiểm tra cho thấy, các hộ trồng sâm thực hiện đúng kỹ thuật nên cây sâm phát triển tốt. Có nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, ngoài hộ ông Hồ Văn Thống thì các hộ Trần Văn Số, Đinh Văn Tiếng (thôn 2, Tak rân); Hồ Văn Xanh, Hồ Văn Thắng, Hồ Văn Liên, Hồ Văn Thông… (thôn 2, Măng Tó) đều là những hộ có trên 1000 gốc sâm Ngọc Linh.”

    Cây sâm nam hiện nay đang được trồng nhiều ở 4 làng trên thôn 1, thôn 2, thôn 3 và thôn 5. Nhiều hộ điển hình như Phạm Xuân Hánh, Hồ Thanh Đề (thôn 1), Hồ Văn Hạ, Trần Xuân Hạnh, Đinh Văn Hùng (thôn 2), Hồ Văn Nỏ, Hồ Văn Nỉ (thôn 5) đều thu hơn 40 triệu đồng/năm từ tiền bán sâm nam.

    Đối với cây quế, diện tích trồng quế không ngừng tăng. Hàng năm, toàn xã trồng hơn 100.000 cây. Đây là cây truyền thống cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Nhân dân trên địa bàn xã chỉ tập trung trồng giống quế bản địa là quế Trà My nên chất lượng quế luôn được đảm bảo và được thương lái ưa chuộng. Định hướng của xã là tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng quế theo quy hoạch vùng của xã, tập trung phát triển cây quế Trà My, nâng cao sản lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

    “Các cây dược liệu khác thì hiện nay xã đang triển khai trồng thí điểm, bước đầu cho hiệu quả tốt. Trong thời gian tới xã sẽ quy hoạch vùng trồng dược liệu để phát triển theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân” – ông Xiêm cho biết thêm.

    Đối với người dân xã Trà Cang, chủ trương giảm nghèo của xã gắn liền với phát triển cây dược liệu là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Ông Trần Xuân Hạnh – người dân thôn 2, Trà Cang nói:“ Tôi mong muốn Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã quan tâm hơn nữa, chỉ đạo sát sao hơn nữa, định hướng rõ ràng hơn nữa và mạnh dạn kêu gọi các công ty đầu tư chế biến dược liệu, bao tiêu sản phẩm của nông dân để mỗi người dân chúng tôi mạnh dạn đầu tư trồng và phát triển cây dược liệu một cách có hiệu quả nhằm thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất này”.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.