Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam › Diễn đàn › Những nhu cầu khác › Hội Đông y tỉnh Yên Bái gắn hoạt động Hội với thực hiện dự án
Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng admin 4 năm trước.
-
Người viếtBài viết
-
30-10-2020 vào lúc 09:52 #2527
Từ khi giành được độc lập đến nay, Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương và chính sách để kế thừa, phát huy, phát triển Y học cổ truyền phục vụ mục tiêu CSSK nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng định hướng: “Y học phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Ðể mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Ðông và thuốc Tây” (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27/2/1955). Đó chính là sự kết hợp giữa y học hiện đại và y học dân tộc. Định hướng đúng đắn này của Bác kính yêu đã được Đảng và Nhà nước ta thực hiện đạt kết quả tốt. Những năm qua, ngành y tế nước nhà đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, kết hợp chặt chẽ giữa Y học cổ truyền và Tây y, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những vốn quý của y học cổ truyền đã được lưu giữ và phát triển. Yên Bái là một Tỉnh có truyền thống về Y học cổ truyền, có tổ chức Hội hình thành và hoạt động từ rất sớm so với cả nước. Năm 1958 thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc cải tạo công thương nghiệp, Ty Y tế Yên Bái thành lập Ban vận động thành lập Hội Đông y. Năm 1961, Đại hội Đông y tỉnh Yên Bái lần thứ nhất được tổ chức nhiệm kỳ (1961 – 1965). Trải qua 12 kỳ đại hội với gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, các cấp Hội đông y trong tỉnh không ngừng được củng cố, mở rộng cả về số lượng hội viên và chất lượng hoạt động. Với phương châm: “ đoàn kết, dân chủ, đổi mới” cán bộ hội viên Hội Đông y tỉnh Yên Bái trong những năm qua đã nỗ lực phấn đấu xây dựng Hội vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là nòng cốt trong nhiệm vụ kế thừa và phát triển y dược học cổ truyền phục vụ chăm sóc và tăng cường sức khoẻ nhân dân.
Từ 04 chi hội với 42 hội viên khi mới thành lập đến nay Hội Đông y tỉnh Yên Bái đã có mạng lưới tổ chức hội cơ sở ở 9/9 huyện/ thị/ thành phố và 03 chi hội trực thuộc với 128 chi hội/173 xã phường và 1.657 hội viên ở ba cấp hội trong toàn tỉnh.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, bên cạnh hệ thống y tế Nhà nước thì các cán bộ hội viên Đông y, ông lang bà mế cũng đã góp phần không nhỏ trong CSSK nhân dân bằng thuốc YHCT. Trong những năm qua Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW ngày 4/7/2008 về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Quyết định 2166/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, ”. Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của UBND tỉnh Yên Bái, kế hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Hội Đông y tỉnh Yên Bái đã luôn gắn hoạt động Hội với thực hiện nhiệm vụ của nhà nước giao trong quản lý hội viên, củng cố, xây dựng tổ chức Hội hoạt động hành nghề trong lĩnh vực đông y, đông dược. Tổ chức khám chữa bệnh, nghiên cứu ứng dụng, phát triển và bảo tồn cây thuốc, bài thuốc có giá trị để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
Với quan điểm chỉ đạo và các chủ trương, chính sách nêu trên, trong công tác phát triển hội viên, Hội Đông y luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cũng như tuyên truyền bồi dưỡng cho hội viên và tổ chức hội cơ sở. Thông qua đó, hội viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy chế chuyên môn và Luật khám chữa bệnh của ngành Y tế và Điều lệ Hội.Trong nhiệm kỳ 2015- 2020 Hội đã thành lập mới 17 chi hội cơ sở, nâng tổng số Chi hội lên 128; Kết nạp mới 20 , số hội viên toàn tỉnh hiện tại là 1.657 hội viên.
Trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội, Hội đông y đã phát huy thế mạnh của một Hội chuyên môn về CSSK bằng YHCT, đặc biệt là lĩnh vực chuyên môn khám chữa bệnh bằng thuốc YHCT thông qua hệ thống chi hội đông y các bệnh viện YHCT, khoa đông y tuyến huyện, các phòng chẩn trị y tế tư nhân không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng công tác Hội. Theo thống kê hàng năm tổng số người được khám chữa bệnh bằng Đông y khoảng 300-500 ngàn lượt người, chiếm khoảng 12-15 % tổng số người được khám chữa bệnh trong toàn tỉnh, nhiều phương pháp chữa bệnh dùng thuốc và không dùng thuốc đã được các cấp hội và hội viên áp dụng chữa bệnh cho nhân dân ngày càng có kết quả, được nhân dân tín nhiệm.
Công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, sản xuất, bào chế, chế biến thuốc đông dược luôn được Hội quan tâm chú trọng thông qua việc nghiên cứu triển khai các Đề tài và Dự án, như thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Điều tra khảo sát thực trạng cây thuốc nam bản địa, các bài thuốc dân gian và xây dựng một số mô hình vườn thuốc nam nhằm bảo tồn phát triển cây thuốc, bài thuốc quý tỉnh Yên Bái năm 2015- 2016”. Kết quả nghiên cứu đã điều tra sưu tầm được 983 bài thuốc, trong đó có 6 bài thuốc gia truyền và 977 bài thuốc dân gian cùng với 630 loại cây thuốc trong toàn tỉnh. Xây dưng được 03 mô hình trồng cây thuốc bảo tồn tại 03 trạm y tế xã Phúc Sơn huyện Văn Chấn, xã Bảo Ái huyện Yên Bình và phường Trung Tâm thị xã Nghĩa Lộ với 10 loài cây thuốc được trồng.
Năm 2017-2020 Hội Đông y là đối tác của dự án “ Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” do Liên Minh Châu Âu tài trợ đã phối hợp với YENBAI CDSH khảo sát, đánh giá, phân tích tiềm năng thị trường và cơ hội gia tăng giá trị cho các sản phẩm liên quan đến cây thuốc và 9 bài thuốc y học cổ truyền tại Yên Bái, Hà Nội , Sơn La và Hòa Bình, đã tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch kinh doanh chi tiết cho 09 bài thuốc tiềm năng và hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu các bài thuốc y học cổ truyền; hỗ trợ 56 hộ dân thuộc 4 xã của 2 huyện Yên Bình và Văn Yên trồng dược liệu cây cà gai leo phát triển kinh tế với diện tích 80.000m2, tổng số 940.000 cây giống, với số tiền 560.000.000đ. Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hoạch, sơ chế cho người dân và hỗ trợ kết nối người trồng cây thuốc với doanh nghiệp cung cấp giống bao tiêu sản phẩm.
Qua công tác bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu tại địa phương, cũng như khảo sát học hỏi trồng thêm những loại cây thuốc có giá trị, Hội Đông y đã từng bước tiếp cận được các hướng đi và tìm đầu ra cho sản phẩm. Bước đầu các loại cây dược liệu như cà gai leo đã thu được hiệu quả kinh tế gấp 3 lần trồng lúa. Kỳ vọng sắp tới khi các sản phẩm được bào chế, tinh chế và sản xuất đạt chuẩn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế gấp 5- 10 lần cho người dân so với hiện tại.
Hội Đông y đã tham gia tổ chức 3 cuộc hội thảo “Hội thảo thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị cây thuốc nam”; “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hành đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị” và “Hội thảo Đa phương về việc phát huy lợi thế của vùng trồng dược liệu trong phát triển kinh tế của kinh tế địa phương”. Qua đó đã tổng kết đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của UBND tỉnh Yên Bái về phát triển cây dược liệu tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Qua cuộc họp đã kết luận Hội Đông y tỉnh đã bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả và theo đúng định hướng kế hoạch phát triển cây dược liệu tại địa phương từ nhiều nguồn lực huy động như vốn viện trợ, chủ doanh nghiệp, vận động người dân…
Công tác thừa kế, ứng dụng y học cổ truyền là một trong những nhiệm vụ được nhà nước giao cho Hội Đông y, trong nhiệm kỳ qua Tỉnh Hội đã tổ chức được hai khóa đào tạo nghề tẩm quất mỗi khóa 4 tháng cho người khiếm thị, 18 hội thảo tâm đắc cấp huyện, 04 cuộc hội thảo tâm đắc kinh nghiệm chữa bệnh cấp tỉnh . Qua các buổi hội thảo, các Hội viên có dịp để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong việc nâng cao kiến thức chuyên môn, các bài thuốc như: Chữa bệnh Thận- Tiết niệu, bệnh gan mật, bệnh cơ- xương khớp… và các loại cây thuốc chủ trị trong bài thuốc được đưa vào nghiên cứu và lựa chọn để ứng dụng phục vụ lâu dài cho công tác CSSK bằng thuốc YHCT. Hội Đông y tỉnh đã xét chọn được 9 bài thuốc chữa bệnh có hiệu quả của các thầy thuốc Đông y ở cộng đồng dân cư và tham dự hội thảo về các chứng bệnh Gan – Mật, cơ xương khớp, thận , Tiết niệu tại các tỉnh Thanh Hóa, Cần Thơ và Ninh Bình.. Đồng thời phát động phong trào cống hiến bài thuốc tâm đắc tổ chức hội thảo trình bày những bệnh án điển hình, những kinh nghiệm chữa bệnh của các thầy thuốc, lương y giỏi. Thông qua hoạt động này, 5 năm qua các Huyện/ Thị/ Thành Hội đã tập hợp được hàng trăm bài thuốc hay, môn thuốc quý.
Thực hiện nhiệm vụ là tổ chức thành viên của Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh, Hội đã tích cực tham gia phối hợp với các đơn vị trong ngành y tế, các sở ngành liên quan để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ của hội thành viên. Tham gia tích cực phản biện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học của Tỉnh. Tham gia xây dựng chính sách pháp luật tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong việc xây dựng chế độ chính sách nhằm bảo tồn phát triển nền đông y, đông dược. Mở rộng phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế của Hội về đông y, đông dược theo quy định của pháp luật.
Với những kết quả đã đạt được trong hoạt động công tác Hội, Hội Đông y đã được nhận nhiều cờ Thi đua UBND tỉnh và Trung ương Hội Đông y Việt Nam. Năm 2018 Hội Đông y đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạn nhì.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục một số khó khăn tồn tại, trong thời gian tới để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội, Hội Đông y cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư TW Đảng và Chương trình hành động 61/CTr- TU ngày 02/12/2008 của Tỉnh uỷ Yên Bái “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”.
2. Củng cố tổ chức Hội các cấp, kết nạp thêm nhiều hội viên mới với chất lượng cao; tăng cường bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ hội viên theo chương trình thống nhất toàn quốc để có trình độ chuyên môn Đông y sâu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
3. Thừa kế các môn thuốc hay, bài thuốc quí của các lương y có tay nghề cao, người có bài thuốc gia truyền chữa bệnh có hiệu quả ở địa phương; tổng kết các kinh nghiệm thực tiễn các đề tài nghiên cứu khoa học về Đông y đông dược; kết hợp Đông y với Tây y; nhằm từng bước xã hội hoá chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân bằng Đông y.
4. Đẩy mạnh tổ chức trồng, thu hái, bảo tồn chế biến dược liệu tại địa phương. Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt tổng thể dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
5. Thường xuyên giáo dục hội viên đoàn kết và chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và hội cấp trên. Lấy học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, 9 điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông, 12 điều y đức của Bộ Y tế làm tài liệu học tập thường xuyên. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, kịp thời biểu dương các đơn vị cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân điển hình tiên tiến; tổ chức học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Thực hiện tốt các phong trào do Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tỉnh phát động và các nhiệm vụ khoa học do Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.
Với phương châm“ đoàn kết, dân chủ, đổi mới” Hội Đông y quyết tâm xây dựng Hội vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là nòng cốt trong nhiệm vụ kế thừa và phát triển YDHCT phục vụ chăm sóc và tăng cường sức khoẻ nhân dân.HL- Hội Đông y tỉnh Yên Bái
-
Người viếtBài viết
Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.