Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam › Diễn đàn › Những nhu cầu khác › Ngành Dược chuyển đổi số
Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Phạm Hải Bình 3 năm, 6 tháng trước.
-
Người viếtBài viết
-
30-06-2021 vào lúc 09:18 #2960
Ngành Dược chuyển đổi số theo 2 giai đoạn, 8 giải pháp
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động lớn đến mọi ngành, nghề, trong đó có cả ngành Dược. Để việc tham gia hội nhập trong cuộc cách mạng này hiệu quả, luôn cần môi trường chính sách, cơ chế quản lý theo phương thức dữ liệu, số hóa cụ thể.
Trọng ThànhĐiều này được khẳng định khi vừa qua Cục Quản lý Dược (QLD), Bộ Y tế tổ chức lễ công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược.
Mục tiêu về đích sớm từ 2 – 5 năm
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Cục Quản lý Dược xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 theo 02 giai đoạn: giai đoạn đầu 05 năm (2020 – 2025) và giai đoạn hai đến năm 2030. Riêng gia đoạn đầu, ngành Dược đặt mục tiêu, phấn đấu về đích trước 02 năm (2023 phải hoàn thành); giai đoạn hai về đích trước 05 năm (năm 2025 hoàn thành).
Chuyển đổi số – một tất yếu để phát triển công nghệ ngành Dược – Ảnh 1.
Lễ công bố số hoá và kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược (Ảnh: dav.gov.vn)Cụ thể, giai đoạn đầu đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Đặc biệt, đảm bảo đạt tỷ lệ 100% đối với: Thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật lên Ngân hàng dữ liệu ngành dược (NHDL); hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); các hệ thống thông tin ngành dược có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ; dữ liệu, thông tin của người dân, doanh nghiệp (DN) đã được số hóa và lưu trữ tại Cục QLD sẽ không phải cung cấp lại. Riêng việc giải quyết TTHC thông qua các DVC trực tuyến của người dân phải đảm bảo đạt tối thiểu 90% .
Trong giai đoạn hai, đảm bảo duy trì hoạt động 100% các DVC trực tuyến mức độ 4 đã tích hợp lên CDVC Quốc gia, Cơ chế một cửa Quốc gia; hình thành nền tảng dữ liệu ngành dược cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp CNTT, DN dược, cơ sở y tế dựa trên kết nối Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, DN và người dân.
8 giải pháp cụ thể
Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu đề ra trên, Cục QLD sẽ triển khai đồng bộ 08 giải pháp cụ thể:
– Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với công chức, viên chức, người lao động của Cục QLD cũng như người dân và DN về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành Dược.
– Hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, quy trình tác nghiệp, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực chuyên ngành dược để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số.
– Tổ chức kết nối, tập hợp, thúc đẩy Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các DN CNTT, DN dược, cơ sở y tế trong việc phát triển các ứng dụng, nền tảng số thuộc lĩnh vực dược.
– Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dược, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu ngành dược. Ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích nhanh số liệu về hoạt động cung ứng thuốc đảm bảo kịp thời, chính xác, từ đó có các chính sách quản lý ngành Dược phù hợp.
– Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ trong việc thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc trực tuyến
– Tham gia, phối hợp với đơn vị trong và ngoài ngành y tế để tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực chuyển đổi số y tế nói chung và ngành dược nói riêng.
– Đẩy mạnh hợp tác đào tạo để có được từ 2 – 3 chuyên gia chuyển đổi số áp dụng trong lĩnh vực dược gồm các công nghệ số, công nghệ dữ liệu lớn, AI, làm nòng cốt trong chuyển đổi số ngành dược.– Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham quan, học tập, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, mô hình triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực dược tại các quốc gia trên thế giới. Tham gia các hội thảo, các diễn đàn quốc tế về trao đổi, chia sẻ về chuyển đổi số ngành dược.
Những kết quả từ số hoá dữ liệu
Có thể nói, những năm qua, ngành Dược đạt được nhiều thành tích nổi bật, đặc biệt trên phương thức dữ liệu, số hóa.
Cách đây một năm, năm 2019, ngành Dược cho ra đời NHDL ngành Dược (có tên miền là Drugbank.vn), giúp hỗ trợ quản lý ngành nhanh chóng, thuận tiện và thống nhất. Với kho dữ liệu chứa thông tin của hơn 13.300 đầu thuốc đang lưu hành, gần 41.000 cơ sở sản xuất, phân phối thuốc và dược sỹ đã được cấp chứng nhận hành nghề, Ngân hàng Dữ liệu ngành dược cung cấp cho người dùng nền tảng tra cứu toàn diện, thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi thông qua website hoặc ngay trên ứng dụng của điện thoại di động thông minh.
Nhờ có Drugbank.vn, các cơ quan, đơn vị quản lý dễ dàng theo dõi được lịch sử thay đổi của thuốc và hoạt động của DN, giúp người dân tra cứu chất lượng về thuốc, góp phần đảm bảo sự an toàn, hiệu quả sử dụng thuốc của người bệnh…
Cũng nhờ việc ra đời Drugbank.vn, theo đánh giá, nhận xét của các chuyên gia đầu ngành về công nghệ hoạt động trên lĩnh vực dược, mô hình dược giờ đây đã phát triển theo chiều hướng của xu thế Pharma 4.0 (công nghệ dược trong CMCN 4.0), sự chuyển đổi trọng tâm từ quá trình sản xuất dược phẩm dựa trên những thông số cố định chuyển sang quá trình sản xuất dựa trên đánh giá và kiểm soát liên tục các thông số. Bằng cách đó, các thông số được tự động điều chỉnh bằng CSDL và thông tin kết nối từ các hệ thống của toàn bộ quá trình.
Cũng đạt những thành tích cao trong việc thực hiện cải cách TTHC trên môi trường mạng, điện tử, gần đây (tính đến ngày 30/6/2020), ngành Dược, Cục QLD đã hoàn thành đạt 100% và cung cấp 93 DVC trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và DN trên Cổng DVC Bộ Y tế. Từ đầu năm đến nay, tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt 18.027 hồ sơ.
Việc hoàn thành, cung cấp 100% các DVC trực tuyến mức độ 4 đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, công sức, chi phí… cho người dân, DN khi thực hiện các TTHC tại Cục QLD.
Ngoài ra, Cục QLD đã thực hiện 15 DVC trực tuyến trên cổng cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu thuốc và công bố mỹ phẩm. Đơn vị cũng xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu hành nghề và kinh doanh dược với thông tin về toàn bộ các cơ sở kinh doanh dược.
Từ tháng 01/2020, đến nay, Cục QLD đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống phần mềm khởi tạo mã định danh cho từng loại thuốc. Tới thời điểm này toàn bộ mã định danh đã hoàn thiện và trở thành khối dữ liệu cơ bản, nền tảng của Cục QLD cũng như là khối dữ liệu dùng chung cho toàn ngành Y tế trong quá trình chuyển đổi số: Đơn thuốc điện tử, Bệnh án điện tử, Y bạ điện tử, Giám định thanh toán bảo hiểm y tế cũng như các phần mềm khác đã và đang sử dụng trong ngành y tế.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, Cục QLD đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm để các cơ sở sản xuất thuốc, nhập khẩu thuốc báo cáo liên tục việc xuất, nhập, tồn cũng như kế hoạch sản xuất, nhập khẩu các thuốc được khuyến nghị sử dụng trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 với 48 hoạt chất.
Như vậy, với những kết quả đạt được, cùng với kế hoạch chuyển đổi số cụ thể, tin rằng ngành dược sẽ tạo được sự phát triển trên nền tảng số, sớm thực hiện được kế hoạch, mục tiêu về đích trước từ 2 – 5 năm.
-
Người viếtBài viết
Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.