Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam › Diễn đàn › Những nhu cầu khác › Nhà khoa học người Sán Chay với công trình nghiên cứu cây thìa canh
Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Phạm Hải Bình 3 năm, 7 tháng trước.
-
Người viếtBài viết
-
31-05-2021 vào lúc 14:19 #2819
Nhà khoa học người Sán Chay với công trình nghiên cứu cây thìa canh hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Với những nghiên cứu về cây dây thìa canh, PGS.TS. Trần Văn Ơn – nguyên Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội – đã không chỉ mang đến cho người dân Việt Nam một sản phẩm mới để hỗ trợ bệnh tiểu đường, mà còn khẳng định tài năng của các nhà khoa học Việt trong việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế.
Khát vọng về cây thuốc Việt
PGS.TS. Trần Văn Ơn là con một gia đình người Sán Chay, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, có truyền thống về y học dân tộc. Từ nhỏ, ông đã khao khát được nối nghiệp gia đình. Tuổi thơ của ông gắn với những cánh rừng xanh ngát, những sườn đổi rợp bóng cây, mà ở trong đó, có vô vàn cây thuốc quý. Với những người hiểu về cây thuốc, sẽ thấy núi rừng giống như một kho dược liệu khổng lồ mà chẳng bao giờ khai thác hết.
Để thực hiện ước mơ đó, cậu học trò Trần Văn Ơn đã thi vào Trường Đại học Dược. Những năm tháng sinh viên, anh luôn chăm chỉ học hành, nghiên cứu và đã trở thành sinh viên giỏi của Trường. Nhìn thấy tiềm năng khoa học ở cậu sinh viên, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong Khoa Thực vật học của Trường đã tận tình dìu dắt, giúp đỡ anh. Được giữ lại làm giáo viên của Trường, Trần Văn Ơn tranh thủ mọi cơ hội đi học các khoá học về thực vật ở nước ngoài, rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Dược học.
Là người yêu cây cỏ, hiểu rõ được tiềm năng từ thiên nhiên, từ những cây thuốc quý mang lại, Trần Văn Ơn luôn cháy bỏng khát vọng làm sao phát triển tiềm năng ấy, để biến Việt Nam thành vườn thuốc của thế giới. Vì thế, dấu chân anh in khắp mọi vùng núi rừng của đất nước để tìm hiểu về cây cỏ nước nhà. Trong quá trình lăn lộn với thực tế, nhà khoa học Trần Văn Ơn đã phát hiện ra cây dây thìa canh ở Quảng Trị – một loài cây có hiệu quả cao trong điều trị tiểu đường.
PGS.TS. Trần Văn Ơn trong các chuyến thực tế nghiên cứu về cây dây thìa canh tại các địa phương
Theo PGS.TS. Trần Văn Ơn, cây thìa canh được sử dụng trong y học cổ truyền từ 2000 năm trước trong thực tiễn. Khởi nguồn từ Ấn Độ, đến nay, trên thế giới đã có 150 công trình nghiên cứu về cây này, tại hơn 10 quốc gia: Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông (TQ): Nghiên cứu nhiều nhất; Brazin, Anh, Canada, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc: ít hơn.
Từ những năm 1960, Ấn Độ đã chủ yếu nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết trên thực nghiệm và từ cuối những năm 1990 và sau 2000, các nghiên cứu nở rộ tại Nhật, Mỹ,… tập trung vào nghiên cứu cơ chế tác dụng, tác dụng giảm béo. Đã có gần 10 bài tổng quan được thực hiện.
Nhiều sản phẩm đã được phát triển, như bột lá, dịch chiết tổng, cao định chuẩn GS4; Dùng đơn lẻ hoặc phối hợp (vitamin, chè xanh, giảo cổ lam, …) hoặc dược liệu thô đóng túi, chè túi lọc, viên nang vv… đều có ưu điểm là tác dụng tốt, không gây táo bón so với nhiều cây khác.
Cơ hội mới cho bệnh nhân tiểu đường
Vì thế, năm 2006–2010, PGS.TS Trần Văn Ơn cùng cộng sự đã tiến hành công trình nghiên cứu cấp Bộ mang tên “Sàng lọc các dược liệu và bài thuốc có tác dụng điều trị đái tháo đường”. Sau đó, ông và cộng sự tiếp tục thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp Bộ và 1 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: “Nghiên cứu các dược liệu và bài thuốc có tác dụng hạ đường huyết (2006-2012); Đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp Bộ (Bộ Y tế) “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường từ cây dây thìa canh lá to”; Dự án cấp Bộ “Hoàn thiện công nghệ trồng trọt, sản xuất cao chuấn hoá và sản xuất chế phẩm từ cây dây thìa canh hỗ trợ điều trị đái tháo đường” (2012-2018).
Ông bắt tay vào nghiên cứu hiệu lực và an toàn của cây dây thìa canh tại Trường ĐH Dược Hà Nội, rồi thu thập và xác định nguồn gen tại 11 địa phương: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên Huế. Từ đó, hình thành vùng trồng tại Thái Nguyên theo tiêu chuẩn GACP-WHO.
Bằng việc nghiên cứu về cây dây thìa canh, PGS.TS. Trần Văn Ơn đã phát triển, thuần hóa cây thuốc từ những cây hoang dã ở Việt Nam. Ông cho biết, cây dây thìa canh chứa hoạt chất GS4, khi người bệnh uống vào sẽ tác động vào cả 4 quá trình: Làm giảm quá trình hấp thu đường (Glucose) ở ruột; tăng sản xuất và hoạt tính insulin; tăng men sử dụng đường ở mô, cơ, đồng thời, tăng bài tiết cholesterol qua đường phân, giảm cholesterol và triglycerid trong máu, hạ LDL-c, giảm lipid trong máu và trong gan. Nhờ đó, vừa giúp hạ đường huyết vừa ổn định đường huyết, ngăn ngừa hiệu quả những biến chứng tiểu đường.
Đặc biệt, quá trình nghiên cứu, ông phát hiện ra cây dây thìa canh lá to ở Thái Nguyên với những tác dụng giảm đường huyết tốt hơn so với dây thìa canh lá nhỏ. Nếu dây thìa canh lá nhỏ có mức độ giảm đường huyết là 23% thì dây thìa canh lá to có tới 26%. Ngoài ra, thìa canh lá to còn có cơ chế tác dụng khác như hạ mỡ máu, kháng khuẩn, làm mất cảm giác ngọt,… So sánh giữa cây thìa canh lá to và cây thìa canh lá nhỏ, PGS.TS. Trần Văn Ơn còn nhận thấy từ bột lá, dịch nước, tinh chất đều tốt, có thể dùng cho đái tháo đường typ 1 và typ1. Một phát hiện giá trị ở cây thìa canh lá to của PGS.TS. Trần Văn Ơn là cây dây thìa canh lá nhỏ còn có độc tính dù rất nhỏ, còn dây thìa canh lá to hoàn toàn an toàn, không có độc tính, cũng không bị mốc khi để làm nguyên liệu. Đây là phát hiện hoàn toàn mới mẻ với thế giới.
Từ đây, PGS.TS. Trần Văn Ơn tiếp tục thực hiện hai đề tài cấp bộ (Bộ Y tế) là đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ “Nghiên cứu các dược liệu và bài thuốc có tác dụng hạ đường huyết” và “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường từ cây dây thìa canh lá to”
Ông tiếp tục nghiên cứu trồng trọt theo hướng organic bằng việc tạo nguồn dược liệu chuẩn. Ông thu thập và xác định nguồn gen ở nhiều nơi trong những như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Tuyên Quang, Tây Ninh, rồi cả ở Thái Lan, Lào.
Năm 2009, PGS.TS. Trần Văn Ơn tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn về việc sàng lọc cây thìa canh. Từ đó, ông phát hiện ra cây thìa canh lá to vừa không có độc tố, vừa có tác dụng cao gấp đôi cây thìa canh thông thường mà thế giới đã phát hiện ra trước đó. Đặc biệt, thìa canh lá to hoàn toàn an toàn, không độc và không mốc. Vì thế, ông tìm cách bảo lưu, phát triển nguồn giống cây này tại vườn thực vật của Trường Đại học Dược Hà Nội.
Phát hiện được những tính năng ưu việt của cây dây thìa canh, PGS.TS. Trần Văn Ơn tiếp tục nhân giống phát triển vùng nguyên liệu cây thìa canh lá nhỏ tại Nam Định và giống cây thìa canh lá to tại Thái Nguyên.
Đưa khoa học vào cuộc sống
Trong khi nhiều nhà khoa học nghiên cứu xong chỉ để “xếp ngăn kéo”, thì PGS.TS. Trần Văn Ơn luôn muốn các công trình của mình phải phục vụ cuộc sống, phục vụ nhân dân. Vì thế, khi công trình nghiên cứu cây dây thìa canh thành công, năm 2010, PGS.TS. Trần Văn Ơn đã chuyển giao cho Công ty Dược khoa (DK Pharma) của Bộ Y tế, để thử nghiệm trồng và sản xuất chế phẩm hạ đường huyết từ cây thìa canh lá to.
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm thành công của PGS.TS. Trần Văn Ơn, năm 2014, Công ty Dược khoa đã triển khai đề tài nghiên cứu cấp Bộ mang tên “Nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết và tạo ra chế phẩm DKBetics từ dây thìa canh lá to”, do PGS.TS Trần Thị Oanh – Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) chủ trì và PGS. Trần Văn Ơn tiếp tục tham gia. Tiếp đó, Công ty Dược khoa triển khai dự án nghiên cứu cấp cơ sở “Hoàn thiện công nghệ trồng trọt, sản xuất cao định chuẩn và sản xuất chế phẩm từ dây thìa canh hỗ trợ điều trị đái tháo đường”.
Với thành công của các công trình nghiên cứu này, cùng với mong muốn bệnh nhân nghèo cũng được tiếp cận thuốc hỗ trợ điều trị tốt nhất, năm 2019, PGS.TS Trần Văn Ơn chính thức chuyển giao đề tài và vùng trồng nguyên liệu cây dây thìa canh lá to cho Công ty Dược khoa sản xuất các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường với giá thành rẻ hơn nhiều so với của nước ngoài. Vì thế, hiện nay, từ cây dây thìa canh, một sản phẩm mới đã ra đời, là viên nang DK-Betics.
PGS.TS Trần Văn Ơn cho biết, sản phẩm này giúp giảm đường huyết, hỗ trợ điều trị đái tháo đường typ 1 và typ 2 theo 4 cơ chế khác nhau; giúp hạ mỡ máu, giảm cholesterol, giảm béo; phối hợp các thuốc điều trị đặc hiệu để giúp nâng cao hiệu quả kiểm soát đường huyết; phòng ngừa, hạn chế tiến triển biến chứng của đái tháo đường.
Với mong muốn người dân miền núi – nơi sở hữu nguồn dược liệu thiên nhiên phong phú và đất rừng rộng rãi, từ các công trình khoa học của mình, PGS.TS. Trần Văn Ơn đã xây dựng và phát triển 15 hợp tác xã, công ty cổ phần tại cộng đồng để phát triển dược liệu ở Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên… giúp người dân tận dụng được nguồn dược liệu sẵn có, phát huy những bài thuốc quý của địa phương, nâng cao thu nhập. Ông cũng xây dựng và triển khai dự án về phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo ở 6 huyện nghèo của Hà Giang, nhằm đưa tỉnh này thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu gắn với du lịch.
Một trong những đơn vị đã thành công từ sự giúp đỡ của PGS.TS. Trần Văn Ơn là Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa của anh Lý Láo Lở (Tả Phìn, Sa Pa) với sản phẩm đầu tay là “Thuốc tắm người Dao”, vừa sản xuất thuốc đóng gói, vừa là địa điểm tắm thuốc lá người Dao – một hình thức thu hút du khách đến với Sa Pa.
PGS.TS. Trần Văn Ơn còn tham gia các dự án “Bảo tồn nguồn gene cây thuốc tại vườn Quốc gia Ba Vì (hợp tác Việt Nam-Australia); “Tăng cường cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn trên trang trại đa dạng sinh học nông nghiệp ở Việt Nam”, đồng thời, đến nay, ông đã có hơn 100 bài báo, công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Thái Hoàng
Báo CAND -
Người viếtBài viết
Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.