Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Phạm Hải Bình Phạm Hải Bình 4 năm, 4 tháng trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #2349
    Phạm Hải Bình
    Phạm Hải Bình
    Quản lý

    Nhận thức về Đạo đức kinh doanh
    Trích Báo cáo nghiên cứu: QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA ĐẠO ĐỨC KINH DOANH
    Của Nhóm làm việc về đạo đức kinh doanh
    Đạo đức kinh doanh là cách một công ty đưa các giá trị cốt lõi như trung thực, tin tưởng, tôn trọng và công bằng vào các chính sách, thực hành và việc ra quyết định của công ty (Hellriegel và cộng sự 2008). Kinh doanh có đạo đức là một xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, với động lực thúc đẩy chính đến từ người tiêu dùng bởi các cân nhắc đạo đức đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của họ (Creyer và Ross 1997). Chủ nghĩa tiêu dùng đạo đức không còn chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ những người tiêu dùng có trách nhiệm, mà đã trở thành một hiện tượng về lối sống (Mai 2014). Ở Anh, hơn một nửa dân số đã từng mua hoặc khuyến khích người khác mua sản phẩm dựa trên uy tín đạo đức của sản phẩm ấy (Carrigan và cộng sự 2004). Nghiên cứu của Trudel và Cotte (2009) cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn một cách đáng kể để mua các sản phẩm được sản xuất một cách đạo đức so với các sản phẩm được sản xuất một cách phi đạo đức. Thay đổi này trong thái độ và hành vi của người tiêu dùng đã thúc đẩy sự thay đổi của doanh nghiệp, vì xét cho cùng người tiêu dùng là lực lượng có ảnh hưởng nhất tới doanh nghiệp. Như Sam Walton, người sáng lập của Walmart từng nói “(Doanh nghiệp) chỉ có một người chủ duy nhất. Đó là người tiêu dùng. Anh ta có thể sa thải bất kỳ ai trong công ty từ người lãnh đạo trở xuống, chỉ đơn giản bằng cách tiêu tiền của anh ta vào nơi khác.” Nắm được xu hướng này, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã đưa việc thúc đẩy đạo đức kinh doanh vào chiến lược dài hạn của mình, thậm chí cạnh tranh với nhau để trở nên đạo đức hơn. Họ đã thấy được rằng việc kinh doanh thiếu đạo đức tiềm ẩn quá nhiều rủi ro về danh tiếng và tài chính, và việc kinh doanh đạo đức mang lại nhiều lợi ích dài hạn và bền vững hơn. Ví dụ doanh nghiệp giầy TOMS’ kinh doanh dựa trên nguyên tắc “Một cho một”, tức là khi người tiêu dùng mua một đôi giày của TOMS’, họ sẽ tặng một đôi giày cho người nghèo. Các siêu thị thực phẩm ở Anh như Sainsburys mở rộng khu vực trưng bày và sự hiện diện của các sản phẩm hữu cơ, Morrisons khuyến khích người tiêu dùng tái chế túi đi chợ. Năm 2018, Starbucks đối mặt với một cuộc khủng hoảng truyền thông lớn khi hai khách hàng người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát bắt chỉ vì ngồi chờ ở một cửa hàng Starbucks mà không mua đồ uống gì. Đối mặt với sự chỉ trích và phẫn nộ của khách hàng vì cho rằng đó là hành vi kì thị chủng tộc, ngay sau đó Starbucks đã phải cho 175,000 nhân viên ở 8,000 cửa hàng ở khắp Bắc Mỹ nghỉ để tham gia tập huấn về nhạy cảm chủng tộc (Hyken 2018). Rõ ràng, kinh doanh có đạo đức là một xu hướng tất yếu, đặc biệt khi trình độ học vấn và khả năng tiếp cận thông tin của người tiêu dùng ngày một tăng lên. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và lưu thông thông tin ngày nay, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của các xu hướng quốc tế trên.
    Phạm Thái Hà
    Sưu Tầm

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.