Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam › Diễn đàn › Thảo luận về thông tin thị trường › Phát triển dược liệu gắn với nhu cầu thị trường
Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Phạm Hải Bình 3 năm, 5 tháng trước.
-
Người viếtBài viết
-
18-06-2021 vào lúc 06:08 #2918
Phát triển dược liệu gắn với nhu cầu thị trường
(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 12/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam. Cùng dự tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tại đầu cầu TPHCM có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang; Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng.
Nhu cầu tiêu thụ dược liệu rất lớn
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Việc sử dụng dược liệu của người dân ngày càng tăng. Mỗi năm, nước ta cần khoảng 60 – 80 ngàn tấn dược liệu dùng sản xuất thuốc Đông y, tân dược, mỹ phẩm; 20.000 tấn dược liệu sản xuất thực phẩm chức năng.
Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu Việt Nam là rất lớn với 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hệ thống bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền hoặc tổ y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa, bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân. Tính đến tháng 12/2016, cả nước có 226 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc cổ truyền.
Nhiều tỉnh đã chủ động quy hoạch các vùng nuôi trồng dược liệu với hơn 500 loài cây thuốc. Một số loài đã có vùng trồng lớn như: quế, hòe; kim tiền thảo,… Việc nuôi trồng cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu băn khoăn, trước tình hình nhiều dược liệu quý của nước ta có nguy cơ tận diệt. Dù nước ta có nhiều tiềm năng phát triển dược liệu nhưng 80% dược liệu dùng trong nước hiện nay phải nhập khẩu. Dược liệu nhập lậu thì chất lượng không đảm bảo nhưng dễ thâm nhập vào thị trường do giá rẻ; còn dược liệu được trồng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế thì khó thâm nhập thị trường do giá thành cao. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, cả nước mới có 13 loại cây dược liệu trồng trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế, 17 loại cây dược liệu được trồng với quy mô công nghiệp tại các địa phương là quá ít so với tiềm năng phát triển dược liệu của nước ta.
Thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn
Một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có quy hoạch vùng về phát triển dược liệu, định hướng rõ quy mô, loại cây, sản lượng dược liệu; đồng phát triển khâu sơ chế, tiêu thụ, tìm đầu ra cho dược liệu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, việc phát triển cây dược liệu liên quan đến nhiều bộ nên phải thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để có điều hành chung về nội dung này. Cùng với đó, phải có cơ chế chính sách phát triển dược liệu sạch, có cơ chế cho doanh nghiệp liên kết nông dân trồng cây dược liệu. Một trong những biện pháp quan trọng là làm tốt công tác quản lý chất lượng dược liệu trên thị trường, không để dược liệu giả, không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Theo đại diện Bộ Y tế, nước ta chưa có hoặc đã có nhưng chưa được triển khai kịp thời các chính sách như: chính sách quản lý khai thác dược liệu tự nhiên; chính sách ưu đãi cụ thể về kinh phí, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu; các quy định đặc thù về giống cây dược liệu; chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, vốn, giống, công nghệ trong nuôi trồng dược liệu.
Đại diện cho đơn vị khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM Huỳnh Nguyễn Lộc kiến nghị, Quốc hội Ban hành Luật Y học cổ truyền; cho các trường đại học đào tạo cử nhân y học cổ truyền để đáp ứng nhu cầu về nhân sự làm công tác này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các địa phương đã chủ động quy hoạch, phát triển vùng dược liệu trên quy mô lớn. Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của ngành dược liệu như: quy mô phát triển cây dược liệu còn nhỏ, hiệu quả chưa cao, phát triển manh mún gây ra nhiều lãng phí; dược liệu Việt Nam chưa quảng bá được thương hiệu ra nước ngoài; số lượng xí nghiệp sản xuất dược liệu còn ít, chưa tạo được chỗ đứng tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các bộ ngành liên quan cần đầu tư nghiên cứu tìm đầu ra cho dược liệu sản xuất trong nước; và quảng bá dược liệu Việt Nam ra quốc tế. Một trong những biện pháp quan trọng là phát triển dược liệu gắn với nhu cầu thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu; phát triển các doanh nghiệp chế biến sản xuất dược liệu Việt Nam. Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành xem xét xây dựng một số chính sách đặc thù phát triển dược liệu; ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển dược liệu, bảo tồn các gen dược liệu quý hiếm. Cùng với kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, Bộ Y tế phải mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với thuốc y học cổ truyền, thuốc sử dụng dược liệu; khuyến khích người dân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Các địa phương phải tăng cường liên kết giữa ngân hàng, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý đã thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn, quản lý chất lượng theo hướng tiên tiến, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Y tế xây dựng các tiêu chí công nhận giống dược liệu để đảm bảo quy trình chuẩn trong nuôi trồng. Các bộ ngành, các địa phương, nhất là các TP lớn, các tỉnh biên giới giám sát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu, kiểm soát chất lượng dược liệu trên thị trường.
S.Hải
-
Người viếtBài viết
Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.