Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam Diễn đàn Thảo luận về bài thuốc SỬ DỤNG VÀ BẢO TỒN CÂY THUỐC, BÀI THUỐC CHỮA BỆNH Ở NGƯỜI JRAI TẠI TỈNH GIA LAI

Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Avatar Nguyễn văn Thắng 4 năm, 7 tháng trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #1409
    Avatar
    Nguyễn văn Thắng
    Thành viên

    Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình từ 700m đến 800m so với mực nước biển;. Do đặc điểm dân tộc và những điều kiện địa lý của nơi sinh sống, ít được tiếp cận với y học hiện đại nên người Jrai có những hiểu biết quý báu về thu hái, bảo quản, chế biến, sử dụng các cây thuốc và bài thuốc để chữa bệnh cho mình, kể cả những bệnh hiếm gặp, hiểm nghèo. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu mang tính tổng thể, toàn diện và cập nhật về tinh hình sử dụng và bảo tồn các cây thuốc và bài thuốc của người Jrai. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm sưu tầm và tìm hiểu về tình hình sử dụng các cây thuốc, bài thuốc để chữa bệnh ở cộng đồng người Jrai tại Gia Lai, nhằm góp phần giữ gìn, lưu truyền, phát huy và phổ biến rộng rãi.

    3.1. Các cây thuốc, bài thuốc thu thập được ở người Jrai
    Chú tôi đã thu thấp được tổng số 267 cây thuốc, bài thuốc từ cộng đồng người Jrai tại 3 huyện.
    Tên huyện Số cây thuốc, bài thuốc Tỷ lệ phần trăm
    Chư Păh 102 38,2
    Krông Pa 86 32,2
    Chư Prông 79 29,6
    Tổng số 267 100,0
    Một đặc điểm nổi bật của các bài thuốc của người Jrai đó là có những bài thuốc chỉ có một vị (độc vị) và những bài thuốc gồm nhiều vị (đa vị) . Bài thuốc độc vị thường gồm một (hoặc hai, ba) bộ phận được lấy từ một cây thuốc sau khi đã được chế biến và được dùng để chữa một bệnh hoặc vài bệnh cùng nhóm. Bài thuốc đa vị là bài thuốc có sự tham gia của một (hoặc hai, ba) bộ phận của hai cây thuốc trở lên. Hầu hết các bài thuốc độc vị hoặc các bài thuốc đa vị nhưng chỉ gồm hai đến ba vị thường do đồng bào người Jrai không chuyên về nghề y trong các buôn làng cung cấp, trong khi đó, bài thuốc đa vị gồm từ ba vị trở lên thường do các thầy lang, lương y tại các địa phương cung cấp. Có lẽ kiến thức chuyên sâu về nghề y là nguyên nhân chính tạo nên sự khác biệt về số vị trong các bài thuốc này. Hơn nữa, đặc điểm và nguồn gốc các bài thuốc này cũng phản ánh điều kiện chăm sóc y tế của người Jrai sống trong buôn làng, ít có cơ hội được tiếp xúc dịch vụ chăm sóc y tế thì họ phải tự có cách chữa bệnh cho mình. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, những bài thuốc độc vị hoặc đa vị mà người dân trong các buôn làng cung cấp cũng cần đạt được những công dụng nhất định trong việc điều trị bệnh, giúp chúng có thể tồn tại và lưu truyền trong cộng đồng người Jrai.
    3.2. Sử dụng cây thuốc, bài thuốc để chữa trị một số bệnh thường gặp ở người Jrai
    Một số bệnh thường gặp ở cộng đồng người Jrai tại địa bàn nghiên cứu bao gồm: Bệnh đau bụng; tiêu chảy; bệnh ngoài da; bệnh phụ khoa; bệnh cơ xương khớp; cầm máu, chấn thương, v.v. Bảng 2 thể hiện tỷ lệ phần trăm các cây thuốc, bài thuốc được người Jrai sử dụng để chữa trị một số bệnh thường gặp. Kết quả ở Bảng 2 cho thấy, tỷ lệ phần trăm các cây thuốc, bài thuốc được người Jrai sử dụng để chữa trị các bệnh thường gặp của cộng đồng người Jrai ở huyện Chư Păh cao hơn đôi chút so với hai huyện còn lại. Khi so sánh giữa các nhóm bệnh với nhau, tỷ lệ các cây thuốc, bài thuốc được sử dụng để chữa bệnh đau bụng, tiêu chảy là cao nhất ở tất cả các huyện, dao động từ 17,2% ở huyện Chư Prông đến 21,5% ở huyện Krông Pa. Kết quả này là phù hợp với thực tế khi người mắc bệnh nhiễm khuẩn đường ruột thường chiếm tỷ lệ cao. Hơn nữa, điều kiện sinh hoạt và vệ sinh ăn uống ở cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Jrai nói riêng thường kém và là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy cao.
    Các cây thuốc, bài thuốc sử dụng để cầm máu và điều trị chấn thương cũng chiếm tỷ lệ khá cao trong cộng đồng người Jrai trên địa bàn nghiên cứu, từ 10,0% ở huyện Krông Pa đến 18,8% Chư Păh. Điều này có thể lý giải là do việc sinh hoạt, lao động và di chuyển của người Jrai gắn với điều kiện địa lý, phương tiện di chuyển không thuận lợi nên các chấn thương cũng có thể thường gặp trong cuộc sống và lao động.
    Nhóm bệnh Huyện
    Chư Păh Huyện Krông Pa Huyện Chư Prông
    Đau bụng, tiêu chảy 19,4 21,5 17,2
    Cầm máu, chấn thương 18,8 10,0 14,3
    Ngoài da 14,2 10,2 11,4
    Phụ khoa 3,5 5,1 4,9
    Xương khớp 4,1 2,9 6,1
    3.3. Cách chế biến và cách dùng các cây thuốc, bài thuốc của người Jrai
    Nhìn chung, cách chế biến sau thu hái cây thuốc của đồng bào dân tộc Jrai là khá phong phú. Tùy tính cấp bách của bệnh và tùy tình hình cụ thể khi thu hái mà bà con thường có các cách chế biến khác nhau, phổ biến đều diễn ra dưới các hình thức như: phơi nguyên bộ phận thu hái; phơi hoặc sấy sau khi thái nhỏ; sao vàng hạ thổ; giã nát hoặc vò nát rồi vắt lấy nước hoặc sử dụng trực tiếp; đun sôi với nước rồi sử dụng; ngâm rượu uống; nấu cao, v.v. Như vậy, có thể thấy đồng bào Jrai có các cách chế biến các bộ phận của cây làm thuốc tuy thô sơ, đơn giản nhưng khá phong phú, trong đó, đều sử dụng các cách khá phổ biến và giống như dân tộc Kinh5, . Về thời gian thu hái, tùy mùa sẽ có hiệu quả khác nhau và chỉ một hoặc vài bộ phận trên cùng một loại dược thảo được thu hái làm thuốc. Nhìn chung, hầu hết các bộ phận của cây thuốc có thể thu hái làm thuốc như rễ, thân, lá, hoa, quả, hạt, nhựa cây, v.v.
    Cách đưa thuốc vào cơ thể của người Jrai cũng rất đa dạng. Các cách thức phổ biến bao gồm: nhai trực tiếp bộ phận của cây thuốc rồi nuốt hoặc ngậm; uống nước vắt, sắc, nấu; giã nát rồi đắp hoặc bôi lên vết thương hay bộ phận bị đau; hơ cây thuốc trên lửa rồi xông, hít khói; đun với nước rồi xông hơi nước, v.v. Thời gian sử dụng cây làm thuốc phụ thuộc vào trạng thái bệnh tật, tuổi tác, bản thể, cây thuốc và bài thuốc, thời tiết, mùa dùng thuốc. Số thang hoặc số lần dùng thuốc chữa bệnh của người Jrai khá đơn giản. Người bệnh thường được dùng 1 thang (lần)/ngày. Số ngày dùng thuốc có thể thay đổi từ 1-2 ngày như bài thuốc chữa Chảy máu cam đến 5-7 ngày như bài thuốc chữa bệnh Trĩ hoặc 7-10 ngày như bài thuốc chữa bệnh Mẩn ngứa, thậm chí 15-20 ngày. Các bài thuốc bổ dưỡng thường được sử dụng trong một vài tháng, trong khi một số bệnh khác có thể phải dùng lâu dài hơn hoặc cho đến khi khỏi bệnh.
    3.4. Nguồn khai thác các cây thuốc, bài thuốc của người Jrai
    Người Jrai khai thác các cây thuốc, bài thuốc dưới nhiều hình thức khác nhau. Hình 1 thể hiện một số nguồn khai thác chính đang được đồng bào Jrai sử dụng. Có thể nhận thấy, đa số người dân sử dụng cây thuốc thông qua việc tự thu hái ở rừng, trên rẫy, ven suối, v.v. với 81,6%, tiếp đến là hình thức tự trồng trong vườn với 65,5% và cuối cùng là thông qua việc bà con, họ hàng cho tặng với 40,4%. Như vậy, dựa vào điều kiện tự nhiên, nơi sinh sống của người dân tộc Jrai có diện tích đất rừng lớn, người dân chủ yếu vẫn lấy cây thuốc thông qua việc thu hái ở rừng là chính. Tuy nhiên, do người Jrai ý thức được tầm quan trọng của cây thuốc trong cuộc sống nên đã có tỷ lệ khá lớn người dân tự trồng cây thuốc tại nhà.
    Cây thuốc không phải tự nhiên được sử dụng với mục đích chữa bệnh. Trong quá trình vào rừng săn bắn, hái lượm duy trì cuộc sống, người Jrai phát hiện ra những cây thuốc có tính hiệu quả trong việc điều trị bệnh tật. Sau đó, thông qua nhiều hình thức khác nhau mà cây thuốc, bài thuốc đó được đưa vào để sử dụng phổ biến. Theo đánh giá của người dân tộc Jrai, cây thuốc có tính hiệu quả và được ủng hộ cao trong việc sử dụng. Kết quả khảo sát về nguồn khai thác cây thuốc, bài thuốc của người Jrai trong nghiên cứu này cho thấy, chủ yếu họ vẫn khai thác từ nguồn tự nhiên trong rừng. Tuy nhiên, việc khai thác nhiều sẽ dẫn tới cạn kiệt hoặc tuyệt chủng các giống cây thuốc, đặc biệt là đối với những loại cây thuốc quý, có giá trị cao. Vì thế, nếu muốn bảo tồn và chủ động nguồn cây thuốc, bài thuốc chữa bệnh của người Jrai thì việc trồng cây thuốc là việc làm rất cần thiết.
    3.5. Lưu giữ và bảo tồn cây thuốc, bài thuốc của người Jrai
    Do các cây thuốc, bài thuốc có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Jrai nên họ luôn có ý thức lưu giữ và bảo tồn. Hình thức lưu giữ và bảo tồn khá đa dạng: thông qua truyền miệng trong gia đình; thông qua hình thức dạy khi cùng đi lấy thuốc trên rừng; qua ghi chép thành tài liệu; qua việc tuyên truyền, phổ biến trên báo, đài, ti vi; qua việc viết thành sách trong hội Đông y và các hình thức bảo tồn khác (Hình 2). Trong các hình thức bảo tồn này, hình thức truyền miệng trong gia đình là hình thức được người dân tộc Jrai sử dụng nhiều nhất với 100% số ý kiến trả lời; tiếp theo là hình thức dạy trực tiếp khi cùng đi lấy thuốc trên rừng với 71,5% số ý kiến trả lời. Cả hai hình thức này thường diễn ra giữa những người thân trong gia đình, dòng họ chứ không phổ biến với cộng đồng. Sở dĩ hai hình thức này chiếm tỷ lệ cao là do phong tục đề cao tính gia truyền, bảo mật đối với việc lưu giữ và sử dụng các cây thuốc, bài thuốc chữa bệnh, nghĩa là chỉ những người trong gia đình mới được truyền lại các cây thuốc, bài thuốc đó , . Các hình thức lưu truyền dễ được phổ biến rộng rãi hơn, đó là: ghi chép thành tài liệu; tuyên truyền, phổ biến trên báo, đài, ti vi hay thông qua việc viết thành sách trong hội Đông y thì chiếm số lượng không lớn, dao động từ 12,4% đến 13,1% số ý kiến trả lời.
    Các cây thuốc, bài thuốc chữa bệnh được người Jrai coi như là tri thức gia truyền nên họ muốn lựa chọn hình thức truyền miệng cho những người trong gia đình nhiều hơn với ý nghĩa sơ khai là dùng để chữa bệnh trong gia đình. Tuy nhiên, hình thức lưu truyền như truyền miệng hoặc dạy trực tiếp khi đi lấy thuốc trên rừng là những hình thức dễ bị thất lạc và mai một. Vì thế, việc lưu giữ kiến thức về cây thuốc, bài thuốc của người Jrai nói riêng và người dân tộc thiểu số nói chung đã và đang gặp những khó khăn nhất định. Hình 3 thể hiện những khó khăn trong việc lưu truyền và bảo tồn các cây thuốc, bài thuốc của người Jrai.
    Khó khăn lớn nhất là những người biết cây thuốc, bài thuốc đã già và chết đi mang theo luôn tri thức về thế giới bên kia. Có tới 97,8% số người dân cho rằng khó khăn nhất trong việc lưu giữ cây thuốc là do những người biết về cây thuốc họ đã già và chết đi. Như đã phân tích ở trên, việc truyền miệng trong gia đình là hình thức được sử dụng nhiều nhất để lưu truyền các cây thuốc, bài thuốc của người Jrai. Tuy nhiên, chính điều này dẫn đến khó khăn lớn nhất khi lưu truyền, bảo quản cây thuốc, bài thuốc. Khó khăn tiếp theo là cây thuốc, bài thuốc không được lưu trữ thành văn, tức là ghi chép thành văn bản, sách để lưu giữ lại, chiếm tới 84,6% số ý kiến người được hỏi. Lưu trữ trên văn bản là hình thức lưu trữ tốt nhất, tuy nhiên, hình thức này vẫn chưa được áp dụng nhiều bởi vì thói quen lưu trữ qua truyền miệng (có thể là truyền miệng trong gia đình hoặc truyền miệng khi đi rừng hái thuốc). Một điều dễ lý giải tại sao hình thức lưu giữ cây thuốc không được ghi chép thành văn bản còn do người dân ở đây là dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết còn hạn chế, đa số người dân mới chỉ dừng lại ở bậc tiểu học và tỷ lệ người mù chữ vẫn còn khá cao [4]. Vì vậy, việc bà con dân tộc thiểu số lưu giữ các cây thuốc, bài thuốc thành văn bản là việc làm khó khăn. Việc các lương ly, thầy lang biết chữ, các cơ quan quản lý, ngành Y tế tiến hành sưu tầm, lưu trữ các cây thuốc, bài thuốc của người Jrai dưới dạng sách, văn bản là việc làm cần thiết để giữ gìn các cây thuốc, bài thuốc quý giá này. Một khó khăn lớn nữa trong việc lưu truyền và bảo tồn cây thuốc, bài thuốc của đồng bào Jrai là sự khan hiếm của cây thuốc, chiếm tới 89,0% số người được hỏi. Điều này cho thấy, việc khai thác quá mức nguồn cây thuốc tự nhiên và việc chúng không được con người trồng mới chính là những nguy cơ rất lớn dẫn đến sự biến mất của những cây thuốc quý cũng như sự thất truyền cây thuốc, bài thuốc đã từng có trong quá khứ. Ngoài những khó khăn kể trên, việc cây thuốc, bài thuốc dân gian của người Jrai khó lưu truyền, bảo tồn còn do những khó khăn khác như: không có tên tiếng Việt (chiếm 68,4%), các cơ quan quản lý, ngành Y tế chưa có chính sách phù hợp để khuyến khích đồng bào phổ biến, lưu truyền và bảo tồn các cây thuốc, bài thuốc (chiếm 63,2%), v.v.
    Từ những khó khăn kể trên, việc chính quyền, các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành Y tế có các chủ trương và hoạt động tích cực và kịp thời như: sưu tầm và viết lại thành sách, văn bản; vận động người dân công bố; có chính sách ưu tiên khai thác và bảo tồn; trồng cây thuốc và bảo tồn vốn gen quý, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi ở cộng đồng; thành lập Hội Đông Y cơ sở để sưu tầm và khai thác, kiểm soát việc khai thác, buôn bán các cây thuốc quý trên địa bàn, v.v. sẽ là những biện pháp cần thiết, cấp bách và đem lại hiệu quả cao trong việc lưu truyền và bảo tồn các cây thuốc, bài thuốc quý giá của người Jrai.
    4. Kết luận
    Qua nghiên cứu này, chúng tôi đã thu thập được 267 cây thuốc, bài thuốc của cộng đồng người Jrai tại tỉnh Gia Lai. Các cây thuốc, bài thuốc được sử dụng để chữa và điều trị hầu hết các nhóm bệnh thường gặp, trong đó tỷ lệ các cây thuốc, bài thuốc sử dụng để chữa và điều trị nhóm bệnh đường tiêu hóa, cầm máu, chấn thương là phổ biến nhất. Đây là những dữ liệu quý giá để lưu giữ, bảo tồn và phổ biến rộng rãi các cây thuốc, bài thuốc của người Jrai. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc khai thác các cây thuốc, bài thuốc chủ yếu vẫn từ nguồn thu hái trong rừng, tuy nhiên, nhiều người dân đã có ý thức tự trồng cây thuốc để chủ động nguồn dược liệu. Vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong việc lưu giữ và bảo tồn các cây thuốc, bài thuốc của người Jrai, trong đó, khó khăn lớn nhất là các cây thuốc, bài thuốc của đồng bào vẫn chủ yếu được truyền miệng và truyền lại cho những người trong gia đình; những người lớn tuổi biết các cây thuốc, bài thuốc nhưng không truyền lại cho hậu thế; cây thuốc ngày càng khan hiếm và các cây thuốc, bài thuốc không được ghi chép lại. Chính quyền địa phương và ngành Y tế cần có chính sách và các hoạt động kịp thời nhằm sưu tầm và lưu giữ lại các cây thuốc, bài thuốc dưới dạng sách, văn bản nhằm bảo tồn và công bố rộng rãi. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cũng cần có kế hoạch khai thác cây dược liệu và kết hợp với trồng mới một cách hợp lý.
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Đỗ Huy Bích và cộng sự (1993), Tài nguyên cây thuốc Việt Nam, NXB Khoa học – Kỹ thuật, Hà Nội.
    2. Bộ Y tế (2003), Dược liệu Việt Nam (Thuốc dân tộc), tập 2 in lần thứ nhất, NXB Y học, Hà Nội.
    3. Nguyễn Văn Dư (2015), Điều tra, nghiên cứu các cây thuốc được sử dụng trong các bài thuốc dân tộc tại Tây Nguyên và đề xuất các biện pháp bảo tồn, Báo cáo tổng kết đề tài mã số TN3/T10, 2011-2014, Báo cáo chuyên đề 24-26.
    4. Nguyễn Bảo Đồng (2013), Những biện pháp bảo tồn và phát triển Y học cổ truyền của một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (2012-2013), Báo cáo đề tài cấp Bộ 2012-2013, Viện KHXH Việt Nam.
    5. Lê Trần Đức (2005), Y dược học dân tộc- Thực tiễn trị bệnh, NXB Y học, Hà Nội.
    6. Đỗ Tất Lợi (2000), Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
    7. Trần Văn Ơn (2005), Tài nguyên cây thuốc và xoá đói giảm nghèo ở các cộng đồng dân tộc vùng miền núi Việt Nam, Tạp chí dân tộc học số 2/2005.
    8. Tổng cục Thống kê (2015), Điều tra dân số giữa kỳ năm 2014, NXB Thống kê, Hà Nội.

    TS. Nguyễn Phúc Hưng1, TS. Đào Huy Khuê2, TS. Nguyễn Văn Thắng3*
    1Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
    2Trung tâm Nghiên cứu Nhân học
    3Trường Đại học Thủ đô

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.