Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam › Diễn đàn › Thảo luận về vùng trồng › Trồng cây Sơn Tra xóa đói giảm nghèo
Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Phan Huy Cuong 4 năm, 3 tháng trước.
-
Người viếtBài viết
-
07-09-2020 vào lúc 15:50 #2391
Trồng cây Sơn Tra xóa đói giảm nghèo
Từ một cây mọc tự nhiên ở các miền núi, giờ đây cây Sơn tra (táo mèo) đã trở thành một cây trồng chính, cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc huyện vùng cao Mù Cang Chải. Cây Sơn tra không chỉ là vị thuốc quý mà còn góp phần cải thiện sinh kế cho người dân. Nó cũng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế đồi rừng góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai ở vùng cao Yên Bái.
Toàn huyện Mù Cang Chải hiện có khoảng trên 2.000 ha sơn tra, tập trung ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Chế Tạo, ngoài ra còn có nhiều cây thuốc nam quý có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân. Chúng còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ rừng, chống xói mòn và hạn chế sạt lở đất nếu được người dân trồng và khai thác bền vững. Các cây dược liệu quý như Đẳng Sâm, Xuyên Khung, Sơn Tra (Táo mèo), Thảo Quả là những cây bản địa vốn có trong rừng tự nhiên tại Mù Căng Chải.
Các loại cây dược liệu quý này đang được các doanh nghiệp chế biến thảo dược thu mua nhưng do nguồn cung chưa đủ cầu nên hiện vẫn phải nhập một phần từ Trung Quốc. Giá bán một kg sơn tra từ 30,000 – 40,000 đồng (chọn), hàng xô từ 10,000-15,000đ/kg. Các sản phẩm này đều dễ bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do tình trạng khai thác bừa bãi và tận thu nên các nguồn cung cấp dược liệu từ tự nhiên đang cạn kiệt. Tình trạng người dân mua bán quả táo non, hay chặt cây để hái quả vẫn còn diễn ra.
Công dụng của quả táo mèo
Táo mèo còn giúp tăng cường hệ miễn dịch với dịch thể và dịch tế bào
Giúp chống oxy hóa
Bổ trợ cho hệ tim mạch: Hạ cholesteron trong máu, hạ huyết áp, giãn các mạch màu và tăng cường nhịp đập của tim
Ức chế các loại trực khuẩn hay các loại tụ cầu nguyên nhân gây bệnh
Ngăn cản các hại khuẩn gây ung thư, bảo vệ gan khỏi bị xâm thực trước các độc tố, giúp co tử cung với phụ nữ sau đẻ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động người dân tuân thủ pháp luật về bảo vệ rừng trên địa bàn chưa đạt hiệu quả kỳ vọng. Thói quen, phong tục tập quán và cách thức thu hoạch không phù hợp của người dân làm tăng diện tích đất trồng, đồi núi trọc. Tình trạng này đến lượt nó lại làm tăng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Mặt khác, người dân chưa có ý thức bảo tồn các cây dược liệu quý này. Do hám lợi trước mắt nên một số người không nghĩ đến chiến lược trồng và khai thác bền vững các cây thuốc nam này.
Trong khi đó, những kiến thức và kinh nghiệm của người dân bản địa trong việc trồng và khai thác các cây dược liệu dưới tán rừng và hộ gia đình chưa được chia sẻ và phổ biến trong chính cộng đồng người dân tộc thiểu số. Vấn đề khơi dậy sức mạnh cộng đồng của người dân tộc thiểu số trong việc phổ biến kiến thức và kinh nghiệm trồng, bảo vệ và khai thác bền vững cây dược liệu này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn cây thuốc nam bản địa, cung ứng nguồn nguyên liệu thuốc, tạo sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số mà còn góp phần quan trọng vào việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giảm thiểu tình trạng xói mòn, rửa trôi, lũ quét và sạt lở đất.
Trước yêu cầu đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái đã xây dựng Đề án “Phát triển cây Sơn tra tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giai đoạn 2016 – 2020”. Đề án xác định mục tiêu trồng mới 6.200 ha Sơn tra để đến năm 2020 diện tich Sơn tra toàn tỉnh đạt 10.000 ha, trong đó, trồng mới trên đất chưa có rừng là 2.500 ha; trồng trên đất nương rẫy kém hiệu quả 1.000 ha; trồng trên đất trồng thông bị ảnh hưởng do rét đậm rét hại có thể trồng xen cây sơn tra 800 ha; trồng trên đất trồng thông sau khai thác 200 ha; trồng bổ sung cây sơn tra trong rừng tự nhiên phòng hộ nghèo kiệt đang khoán cho các hộ, nhóm hộ bảo vệ ổn định 1.700 ha.; góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của động, thực vật rừng; tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác khoán bảo vệ rừng, hạn chế tối đa cháy rừng xảy ra trong mùa hanh khô hàng năm.
Để việc trồng Sơn tra đạt hiệu quả thì các cấp các ngành phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định và hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp như: Quy chế đầu tư xây dựng công trình lâm sinh, quy chế quản lý rừng…Có như vậy trong tương lai, mô hình trồng Sơn tra sẽ đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định lâu dài, góp phần phát triển kinh tế vùng cao, nâng cao đời sống, ổn định tình hình kinh tế chính trị tại địa phương./.
Phan Huy CườngTải lên hình ảnh đính kèm:
You must be logged in to view attached files. -
Người viếtBài viết
Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.