Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam Diễn đàn Những nhu cầu khác Ý tưởng về mô hình du lịch thuốc nam ở "LÀNG THUỐC NAM XÃ CẢM ÂN"

Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Avatar Bùi Văn Hải 4 năm, 4 tháng trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #2389
    Avatar
    Bùi Văn Hải
    Thành viên

    Từ Yên Bái theo quốc lộ 70 lên qua phòng khám đa khoa khu vực Cảm Ân, rẽ trái vào bốn thôn Ngòi Cát, Đèo Thao, Tân Tiến, Tân Yên xã Cảm Ân như vào một làng thuốc nam. Ở đây, ta gặp rất nhiều hộ dân trồng thuốc nam dưới tán rừng của đồi rừng gia đình như bà Ngát, bà Thụ, ông Kỳ, ông Ngôn… Nhiều cây thuốc ta đã gặp người dân trồng ở đâu đó, cũng có nhiều cây ta chưa hề gặp vì nó chẳng khác gì cây trong rừng. Các hội viên Đông y đang tích cực di thực những cây thuốc bản địa từ rừng về trồng ở vườn nhà như ông Ngôn(86t), Anh Hà Văn Hiến, Ông Trương Kim Sơn , Bà Vũ Thị Hồng Ngát, Ông Nguyễn Văn Tơ …vv. Nhiều năm nay, một dải từ thôn Ngòi Cát vào thôn Tân Tiến, xã Cảm Ân (Yên Bình) đã trở thành “Làng thuốc nam bản địa” vì tập trung nhiều ông lang, bà mế có tiếng với những bài thuốc gia truyền, chữa trị bệnh tật hiệu quả bằng phương pháp đông y. Hiện Chi hội Đông y xã Cảm Ân có 25 hội viên là các ông lang, bà mế đã làm thuốc nhiều năm. Với nguồn dược liệu là các loại cây mọc tự nhiên trên rừng cùng với các cây thuốc nam họ đã di thực về vườn đồi gia đình, họ thu hái, sơ chế, phơi khô tự nhiên, không ngâm, tẩm bất kỳ hóa chất hay chất bảo quản nào. Mỗi người có bài thuốc gia truyền riêng để kết hợp các vị thuốc tạo thành thang thuốc chữa bệnh hữu hiệu. Ở đây có một bài thuốc nam chữa viêm đường tiết niệu của Bà Vũ Thị Hồng Ngát, Thôn Ngòi Cát xã Cẩm Ân đã được Hội đồng khoa học sở Y tế thẩm định, công nhận sử dụng có hiệu quả và cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền trong điều trị theo quy định của Bộ y tế. Tỉnh hội Đông y cũng đã giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường, qua đó người nông dân đã biết các khái niệm, kỹ năng tiếp thị và quảng bá cho sản phẩm của mình bán được với giá trị cao hơn trước, duy trì được mối liên kết giữa người dân với chi hội Đông y xã và Trạm y tế, chính quyền địa phương trong việc phát triển trồng thuốc với kinh doanh, liên kết thị trường. Các hoạt động này đã góp phần tạo thêm thu nhập cho hộ gia đình tăng trung bình từ 5-10% trên tổng thu nhập hàng năm. Từ năm 2008, Hội Đông y tỉnh, Sở Y tế đã công nhận và cắm biển “Làng thuốc nam bản địa” và các bài thuốc gia truyền tại xã cho các ông lang, bà mế là hội viên của Chi hội.
    Tiếng lành đồn xa, các bài thuốc nam gia truyền chữa trị các bệnh dạ dày, đại tràng, viêm gan, xơ gan, sỏi thận, vôi cột sống, co thắt động mạch vành, xương khớp… ngày càng được nhiều người biết đến. Với sự kế thừa tri thức cổ truyền của dân tộc, kinh nghiệm gia truyền của gia đình, những ông lang, bà mế ở Cảm Ân đã và đang góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như giữ gìn, bảo tồn, phát triển nhiều cây thuốc, bài thuốc nam quý báu của dân tộc đang dần bị thất truyền. Có ông lang đã được người bệnh ở miền xuôi tin tưởng mời về khám chữa bệnh tại quê hoặc kể bệnh rồi chuyển thuốc về điều trị qua đường bưu điện.
    Tuy nhiên, nguồn tài nguyên các loại cây thuốc nam tự nhiên của tỉnh đang ngày một cạn kiệt, suy thoái và nhiều loài cây đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cây thuốc được trồng đang bị thu hẹp hoặc phát triển một cách tự phát, mất cân đối. Trước thực trạng đó, để bảo tồn, phát triển cây dược liệu, từ năm 2013, Hội Đông y tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển cây thuốc, bài thuốc để cải thiện sinh kế và sức khỏe cho người dân tộc thiểu số” do Tổ chức Caritas – Australia tài trợ tại 2 xã Cảm Ân, Bảo Ái, huyện Yên Bình.
    Thông qua Dự án, người dân 2 xã được hỗ trợ, tư vấn về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, từ đó góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập. Nhờ được hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, Dự án đã thu hút 616 hộ, trồng các loài cây thuốc nam như: mạch môn, cây lá khôi, cây củ dòm, cây đinh lăng, cây hoàng tinh hoa trắng, với diện tích 123.000 m2.
    Ông Nguyễn Văn Tơ – Chi hội phó Chi hội Đông y xã Cảm Ân cho biết: “Trước đây, bà con thường khai thác cây thuốc một cách tự nhiên, chưa có khái niệm trồng mới. Từ khi Dự án bảo tồn và phát triển cây thuốc nam được triển khai, nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt, các gia đình tham gia Dự án đã xây dựng quy ước cùng cam kết hạn chế khai thác cây thuốc nam tự nhiên và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên rừng. Nhiều người ngoài việc trồng, chăm sóc, đã có ý thức sưu tầm, tìm kiếm những giống cây quý về trồng tại vườn thuốc của gia đình, đảm bảo việc thu hái, sử dụng đi đôi với việc trồng và bảo vệ cây thuốc quý”
    Nghề thuốc ở Cảm Ân bây giờ muốn duy trì và phát triển được thì không chỉ dừng lại ở việc truyền lại các bài thuốc, cách sử dụng các dược liệu, mà còn bắt đầu từ công việc tìm kiếm cây thuốc. Bởi, hiện nay việc thiếu nguồn dược liệu khiến những người tâm huyết với nghề không khỏi suy nghĩ. Trên cơ sở kết quả thực tiễn đã đạt được ở Cảm ân, ý tưởng về một mô hình làng du lịch thuốc nam ở Cảm Ân đang được hình thành. Để làm được điều này cần có sự đồng lòng góp sức của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện và xã. Hội Đông y tỉnh sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia trồng thuốc nam theo hướng tạo làng nghề thuốc nam và sinh kế bền vững. Với cụm du lịch hồ thác Bà, làng thuốc nam Cảm Ân , đền Đông Cuông, Đại Cại…. sẽ có nhiều tiềm năng để xây dựng, kết nối trở thành tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn ở Yên Bái trong tương lai. Muốn có được làng du lịch thuốc nam ở Cảm Ân như vậy thì sự tham gia của các hộ nông dân trồng thuốc nam cần tiếp tục được duy trì và phát huy các mô hình sản xuất hiệu quả như tổ/nhóm sản xuất hay phát triển thành hợp tác xã thuốc nam. Cần có thêm các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của các hộ nông dân vào các mối liên kết, phát triển chuỗi giá trị cây thuốc nam nói chung, cải thiện thu nhập cho người nông dân nói riêng. Muốn để cây thuốc nam được trồng, bảo tồn bền vững, cần nhận thức đúng về giá trị kinh tế của dược liệu và cây thuốc không chỉ phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh, mà còn là loại cây trồng có khả năng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hoá nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, từ đó có giải pháp khoanh nuôi, trồng tập trung thành vùng dược liệu. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh đầu tư kỹ thuật, thu mua chế biến dược liệu, sản xuất hàng hoá dược liệu sinh lợi cho người trồng cùng phát triển bền vững.

    B V H.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.