Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam › Diễn đàn › Thảo luận về vùng trồng › YB PT chuỗi giá trị cây thuốc nam Tạo hướng đi bền vững cho người trồng dượcliệu
Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Binh Pham Hai 2 năm, 8 tháng trước.
-
Người viếtBài viết
-
04-04-2022 vào lúc 09:51 #3242
Yên Bái phát triển chuỗi giá trị cây thuốc nam: Tạo hướng đi bền vững cho người trồng dược liệu
YênBái – Từ lợi thế về cây thuốc nam của tỉnh, Trung tâm Phát triển khoa học – công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (YEN BAI CDSH) đã xây dựng thành công chuỗi giá trị 3 cây thuốc nam.
Đồng thời, Trung tâm cũng hỗ trợ thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận các bài thuốc gia truyền và quy trình sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thúc đẩy kinh doanh cho các bài thuốc tiềm năng, tạo hướng đi phù hợp, bền vững để phát triển cây dược liệu.
Dưới sự tài trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam về việc thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”, từ tháng 11/2017 đến 4/2022, YEN BAI CDSH đã xây dựng thành công 3 chuỗi giá trị: cà gai leo, khôi nhung, cây lá gan.
Dự án đã hợp đồng với nhóm chuyên gia và các hộ tại 4 xã: Cảm Ân, Bảo Ái, huyện Yên Bình; Mậu Đông, Đông Cuông, huyện Văn Yên khảo sát thực địa, tham vấn ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) để khảo sát vùng trồng cà gai leo. Trung tâm cũng tổ chức tham quan các mô hình trồng cà gai leo tại tỉnh Hòa Bình để tiếp thu kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chế biến cây thuốc.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp chính quyền địa phương và các hộ dân tổ chức thành lập các nhóm sở thích, nâng cao năng lực trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế nguyên liệu sạch; tập huấn kế hoạch kinh doanh, thực hành đạo đức kinh doanh (BI) và trách nhiệm xã hội (CSR) để tạo ra những sản phẩm hữu ích bảo vệ sức khỏe; xây dựng mô hình vườn mẫu cho thành viên trong nhóm học tập kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây thuốc… thông qua các lớp tập huấn, các hội thảo.
Đến nay, các chuỗi giá trị cây thuốc nam cà gai leo, khôi nhung và cây lá gan đã cơ bản hoàn thiện và bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh có 70 hộ trồng 12 ha cà gai leo, thu hoạch trung bình 90 tấn khô/năm; 40 hộ trồng cây lá khôi, tổng diện tích 22 ha, thu hoạch trung bình 5 tấn khô/năm; Dự án cũng đã thành lập 1 nhóm sở thích trồng cây lá gan tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn với 20 thành viên tham gia là ông lang, bà mế… Qua đó, mang lại giá trị kinh tế cao gấp đôi so với các cây trồng ngô, lúa trên cùng một diện tích (trung bình đạt 12 triệu đồng/sào/năm).
Đặc biệt, sản phẩm cây cà gai leo của Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Thanh Sơn được Dự án hỗ trợ đăng ký bản quyền, các thủ tục, quảng bá sản phẩm với các sản phẩm chính: chế biến thô đóng túi đun nước uống, cao đặc và cao bột cà gai leo được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP 3 sao.
Dự án cũng hỗ trợ thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền điều trị sỏi thận, xây dựng quy trình sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giải độc gan từ bài thuốc gia truyền, cao đặc lá gan…
Ông Nguyễn Văn Hiên, thôn Khe Tràm, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên chia sẻ: “Tôi tham gia nhóm sở thích năm 2020 với 18 sào cà gai leo. Loại cây dễ trồng, chăm sóc, thu hái và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, chúng tôi trồng được trên 1 ha, thu nhập trên 12 triệu đồng/sào/năm và sản phẩm được HTX Dược liệu Thanh Sơn thu mua”.
Cùng với hỗ trợ người dân, Trung tâm cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các DN dược trong và ngoài tỉnh nắm bắt nhu cầu dược liệu của DN để xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thông qua các diễn đàn, hội thảo. Trong tháng 3/2022 YEN BAI CDSH đã tổ chức 2 hội thảo tại Hà Nội với chủ đề: “Ngày sáng tạo về chuỗi giá trị cây thuốc nam” và “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, duy trì, phát triển các chuỗi giá trị cây thuốc nam”.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Bảo Thoa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam cho biết: “Với kinh nghiệm 25 năm hoạt động, Viện đã hỗ trợ 300 DN, HTX và các tổ sản xuất thảo dược trong nước và Viện sẽ phối hợp với YEN BAI CDSH để nâng cao kiến thức, năng lực quản trị, xây dựng hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm thảo dược, xúc tiến kết nối thị trường trong, ngoài nước cho sản phẩm dược liệu Yên Bái”.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh – Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam: Yên Bái có tiềm năng về cây thuốc; tuy nhiên, các HTX, DN dược của Yên Bái cần phải đa dạng hóa sản phẩm như: cao lỏng, cao đặc, thuốc nước, viên nang… nhằm thuận tiện cho khách hàng sử dụng. Cùng đó, thiết kế bao bì và đăng ký nhãn mác sản phẩm phải đẹp… tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và cơ hội để thúc đẩy những kế hoạch kinh doanh cho các bài thuốc tiềm năng của tỉnh. Từ đó, xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung gắn với chế biến để phát triển cây dược liệu.
Từ nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, với trên 630 loài cây thuốc, gần 1.000 bài thuốc dân gian chữa nhiều loại bệnh của tỉnh qua thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” YEN BAI CDSH đã và đang có những giải pháp để phát huy thế mạnh cây dược liệu, góp phần giúp người dân có hướng đi phù hợp, bền vững để phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh gắn với nâng cao đời sống kinh tế.
Minh Huyền -
Người viếtBài viết
Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.