Chữa trào ngược dạ dày bằng gừng như thế nào cho đúng?
Cách chữa trào ngược dạ dày bằng gừng có thể thực hiện ngay tại nhà. Thực hiện biện pháp này giúp làm giảm cảm giác buồn nôn, nôn mửa sau khi ăn, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng và khó tiêu.
Tác dụng của gừng đối với hội chứng trào ngược thực quản
Trào ngược thực quản là hiện tượng dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản và vòm họng, gây ra triệu chứng buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, nôn mửa, đau rát cổ họng… Để làm giảm triệu chứng này, bạn có thể sử dụng thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc kháng thụ thể H2.
Tuy nhiên việc lạm dụng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ và ảnh hưởng đến chức năng bài tiết của thận. Vì vậy nếu triệu chứng có mức độ nhẹ đến trung bình, bạn có thể áp dụng cách chữa trào ngược dạ dày từ gừng để cải thiện.
Theo y học cổ truyền, gừng có tính ấm, vị cay, nồng, có tác dụng giảm đau, kích thích tiêu hóa, hạn chế buồn nôn và nôn mửa. Cũng chính vì vậy mà gừng thường được dân gian dùng khi bị tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, lạnh bụng và rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, y học hiện đại cũng đã thực hiện một số nghiên cứu cho thấy dược liệu này còn có khả năng giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh trào ngược dạ dày.
Các phức hợp có trong gừng như Zingiberol, Methadone, Oleoresin, Tecpen,… có tác dụng giảm đau, trung hòa dịch vị dạ dày, sát trùng nhẹ và tăng hoạt động chuyển hóa của mật. Ngoài ra tinh dầu từ gừng còn có mùi thơm dễ chịu, giúp giảm cảm buồn nôn và hạn chế nôn mửa.
Thực hiện chữa trào ngược dạ dày bằng gừng đúng cách
Để giảm nhanh tình trạng đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn,… bạn cần thực hiện biện pháp chữa trào ngược dạ dày bằng gừng đúng cách.
1. Ngậm gừng tươi
Ngậm gừng tươi là cách đơn giản và dễ thực hiện nhất. Cách này thích hợp khi cảm giác buồn nôn đột ngột xuất hiện. Sau khoảng vài phút ngậm gừng, tinh chất từ dược liệu sẽ thẩm thấu xuống cổ họng và dạ dày. Từ đó làm giảm buồn nôn, nôn mửa và hạn chế hiện tượng acid trào ngược lên thực quản.
Trong trường hợp cảm giác buồn nôn vẫn tiếp diễn, bạn có thể nhai nhẹ lát gừng để tinh chất từ gừng tiết ra và giảm nhanh cảm giác khó chịu.
2. Uống trà gừng
Uống trà gừng cũng là biện pháp giảm trào ngược dạ dày hiệu quả. Biện pháp này thích hợp với đối tượng bị đau họng, buồn nôn và khó nuốt do trào ngược dạ dày gây ra.
Ngoài tác dụng từ gừng, nhiệt độ ấm từ nước trà có thể làm dịu niêm mạc, loại bỏ các dịch vị thừa ứ đọng tại thực quản và giảm tình trạng nghẹn vướng khi ăn uống.
Thực hiện:
- Nấu nước sôi và đổ khoảng 250ml ra tách
- Thả 5 – 7 lát gừng vào và hãm trong khoảng 5 phút
- Có thể thêm 1 ít đường phèn vào cho dễ uống
Khi uống trà gừng, nên nhấp từng ngụm nhỏ để tinh chất thẩm thấu hoàn toàn vào niêm mạc thực quản. Ngoài ra bạn có thể uống trà gừng vào sáng sớm để thanh lọc cơ thể và hạn chế buồn nôn sau khi ăn.
3. Gừng ngâm mật ong
Gừng ngâm mật ong không chỉ giảm buồn nôn và các triệu chứng do trào ngược dạ dày mà còn hỗ trợ ức chế hoạt động của vi khuẩn Helicobacter pylori trong cơ quan tiêu hóa.
Áp dụng cách gừng ngâm mật ong trong khoảng 1 – 3 tháng, bạn sẽ nhận thấy các tần suất và mức độ của các triệu chứng thuyên giảm dần.
Thực hiện:
- Đem cạo sạch vỏ và thái lát khoảng 200g gừng
- Xếp vào hũ thủy tinh và đổ mật ong vào
- Ngâm trong khoảng 10 ngày là dùng được
Mỗi lần sử dụng, dùng 1 thìa mật ong gừng sau đó ngậm 3 lát gừng. Ngoài tác dụng thúc đẩy hoạt động của cơ quan tiêu hóa, cách chữa này còn hỗ trợ điều trị viêm họng, viêm amidan và một số bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên.
4. Trà gừng, chanh và mật ong
Trà gừng, chanh và mật ong cũng là cách chữa được nhiều người thực hiện. Biện pháp này phù hợp với đối tượng bị chướng bụng, buồn nôn và khó tiêu sau khi ăn.
Ngoài tác dụng từ gừng, chanh và mật ong có khả năng kích thích hoạt động của cơ quan tiêu hóa và hạn chế tình trạng đầy bụng, khó tiêu,… ở người bị trào ngược acid dạ dày.
Thực hiện:
- Hãm 4 – 5 lát gừng với 250ml nước sôi trong khoảng 5 phút
- Thêm 2 thìa mật ong vào khuấy đều
- Đợi trà ấm và thêm ½ thìa nước cốt chanh vào
Khi uống trà, nên nhấp từng ngụm để làm dịu niêm mạc thực quản và kích thích dạ dày tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên cần tránh cho quá nhiều nước cốt chanh, vì nguyên liệu này chứa hàm lượng acid cao, có khả năng gây loét dạ dày và đau thượng vị.
5. Gừng ngâm giấm
Giấm gạo chứa acid acetic có khả năng thúc đẩy hoạt động tiêu hóa ở dạ dày. Từ đó hạn chế tình trạng ứ đọng thức ăn gây đau thượng vị, ợ hơi và ợ chua. Kết hợp gừng với giấm có khả năng giảm triệu chứng do trào ngược dạ dày và một số bệnh lý khác ở đường tiêu hóa.
Thực hiện:
- Cạo vỏ và thái lát 300g gừng tươi
- Sau đó cho gừng vào hũ thủy tinh và đổ khoảng 400g giấm gạo vào
- Ngâm trong khoảng 7 – 10 ngày
Mỗi lần dùng khoảng 3 lát gừng ngâm giấm, nhai nhẹ và nuốt để hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày. Tương tự chanh, giấm chứa hàm lượng acid cao nên cần tránh áp dụng khi bụng đói.
Áp dụng cách chữa trào ngược dạ dày bằng gừng cần lưu ý điều gì?
Chữa trào ngược dạ dày bằng gừng là biện pháp điều trị tại nhà, dễ thực hiện và khá an toàn. Tuy nhiên để quá trình điều trị đạt kết quả khả quan, bạn nên lưu ý những điều sau đây:
- Cần cân nhắc mức độ của các triệu chứng để áp dụng biện pháp phù hợp. Ngoài ra khi áp dụng nên thực hiện đều đặn trong ít nhất 1 – 3 tháng để nhận thấy cải thiện lâm sàng.
- Cách chữa trào ngược dạ dày bằng gừng chỉ có khả năng giảm triệu chứng và không tác động đến nguyên nhân trực tiếp. Vì vậy bạn nên phối hợp với việc dùng thuốc và xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học.
- Gừng có khả năng chống đông máu, vì vậy không nên áp dụng cách chữa này với bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông hoặc Aspirin.
- Phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim mạch và tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
Cách chữa trào ngược dạ dày bằng gừng có thể giảm mức độ và tần suất các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên để việc điều trị đạt kết quả cao, bạn nên phối hợp với các biện pháp chuyên sâu được bác sĩ chỉ định.
Nguồn: Thuốc dân tộc