Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Avatar admin 3 năm, 9 tháng trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #2500
    Avatar
    admin
    Quản trị

    Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi ban tặng một thảm thực vật phong phú và đa dạng, đặc biệt là có rất nhiều các loại cây thuốc Nam quý trong tự nhiên. Tuy nhiên, trên thực tế dưới sự khai thác quá mức và không có phương pháp bảo tồn sớm, nhiều cây thuốc Nam quý giá gần như cạn kiệt theo thời gian. Vì thế, trong thời đại nay, chính phủ ta đã và đang đề ra những phương án mang tính hiệu quả nhất để bảo tồn và phát triển giá trị của những dược liệu quý, nhằm phát huy giá trị của cây thuốc bản địa. Điều này thể hiện thông qua các chính sách và pháp luật cụ thể đối với cây thuốc Nam.
    Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quyết định “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” có hiệu lực ngày 30 tháng 10 năm 2013 đã thể hiện rõ ở bốn quan điểm của nhà nước về cây thuốc Nam như sau:
    Thứ nhất, phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu ở Việt Nam.
    Thứ hai, phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường.
    Thứ ba, nhà nước đầu tư và ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật.
    Thứ tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây trồng dược liệu.
    Về chính sách phát triển cây thuốc Nam của nước ta, Chính phủ ta đã có chính sách cụ thể đối với hai nhóm là: Nhóm sản xuất và nhóm Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua hai nghị định là Số 45/2012/NĐ-CP và Số 210/2013/NĐ-CP.
    Trong Nghị định Số 45/2012/NĐ-CP về “Khuyến công” có hiệu lực ngày 21 tháng 05 năm 2012 áp dụng cho đối tượng là: Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất; Các cơ sản áp dụng sản xuất sạch; Tổ chức, cá nhân tham gia quản lý.
    Trong Nghị định Số 210/2013/NĐ-CP về “Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” có hiệu lực ngày 19 tháng 12 năm 2013 áp dụng cho đối tượng là: Doanh nghiệp; Cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện chính sách. Trong chính sách nêu rõ những ưu đãi về mặt đất đai, cũng như hỗ trợ đầu tư. Cụ thể, tại Điều 12 (thuộc Chương 3: Hỗ trợ đầu tư) có nêu rõ:
    1. Nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu, cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng.
    2. Các dự án đầu tư được hưởng hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều này phải nằm trong quy hoạch được duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc chấp thuận cho phép đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu chưa có quy hoạch được duyệt; cây dược liệu nằm trong danh mục quy định ưu tiên và khuyến khích phát triển của Bộ Y tế. Nhà đầu tư phải sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương.
    Như vậy, điểm qua một số Nghị định, có thể thấy Chính phủ ta cũng có những chính sách ưu đãi thể hiện sự quan tâm nhất định đối với việc phát triển cây thuốc Nam (dược liệu) nước ta.Đối với pháp luật của nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị của cây thuốc được thể hiện xoay quanh một số mục tiêu cụ thể, bao gồm:
    Quy hoạch các vùng bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên
    Quy hoạch cách vùng trồng dược liệu với 8 vùng cụ thể
    Phát triển nguồn giống dược liệu
    Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất, chế biến, chiết xuất và bảo quản dược liệu
    Củng cố, xây dựng hệ thống lưu thông, cung ứng dược liệu
    Theo đó, việc tổ chức thực hiện được kết hợp giữa các Bộ-ban-ngành, cụ thể gồm có Bộ Y tế, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
    Như vậy, qua Quyết định của Chính phủ về mục tiêu quy hoạch vùng trồng dược liệu, có thể nhận thấy vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của cây thuốc Nam ở Việt Nam. Đây là mục tiêu và tinh thần chung trên cả nước. Song bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tỉnh/thành phố ban hành những chính sách cụ thể nhằm cổ vũ và phát triển địa phương hóa giá trị của cây thuốc Nam.
    Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi lấy ví dụ của Tỉnh Lào Cai (thuộc vùng dược liệu Tây Bắc) nhằm phát triển giá trị cây thuốc Nam. Theo Quyết định số 4478/QĐ-UBND “Phê duyệt quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hiệu lực ngày 14 tháng 12 năm 2016, tỉnh Lào Cai đã đề ra phương án và giải pháp cụ thể trong việc phát triển cây thuốc Nam trên địa bàn tỉnh.
    Trong đó, mục tiêu của tỉnh Lào Cai đến năm 2020 là phát triển 10 chủng loại cây dược liệu. Trên 60% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng đảm bảo Tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Đến năm 2030, mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bản tỉnh lên 22 chủng loại. 100% diện tích và sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn. Theo đó, tỉnh Lào Cai thực hiện giải pháp trên các khía cạnh: Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất; Giải pháp khoa học công nghệ, khuyến nông và đào tạo tập huấn; Thị trường và xúc tiến thương mại; Cơ chế chính sách; Huy động nguồn vốn.
    Đặc biệt, về cơ chế chính sách, tỉnh Lào Cai thực hiện: “Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành. Thực hiện các chính sách của Trung ương (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP , Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ) và địa phương về tài chính, tín dụng; hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học – công nghệ mới, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp”.
    Như vậy, qua một số chính sách ban hành và pháp luật của Nhà nước, Chính phủ ta đã thể hiện rõ sự quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của cây thuốc Nam. Bên cạnh đó, có nhiều tỉnh cũng theo đó thực hiện các phương án cụ thể. Trên đây, tỉnh Lào Cai chỉ là một ví dụ điển hình trong việc triển khai hoạt động này.
    Ts. Nguyễn Văn Thắng
    Đại học Thủ Đô

    • Chủ đề này đã được điều chỉnh 3 năm, 9 tháng trước bởi Avatar admin.
Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.