Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Chủ đề này bao gồm 1 phản hồi, có 2 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Thanh Tran Thanh Tran 3 năm, 7 tháng trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 2 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #1735
    Avatar
    Bùi Văn Hải
    Thành viên

    Từ Yên Bái theo quốc lộ 32, vượt qua đèo Ách là đến khu vực thôn Bản Hốc, nơi đây từ lâu đã xuất hiện một chợ nhỏ họp bên đường quốc lộ. Chợ bán đủ thứ rau củ quả cây nhà lá vườn, đặc biệt có nhiều loại thuốc nam bản địa như: cẩu tích, lá khôi, huyết đằng; máu chó; cây gắm, tỏa dương; hồng rừng, ba kích, phục linh… nếu quá bộ dừng chân tại đây, ta như vào một chợ thuốc nam ở miền núi. Ở đây có một chi hội đông y với 9 hội viên do bà Năm là chi hội trưởng. Đồng thời ta cũng gặp nhiều người dân ở các bản người Mông trên núi xa thường mang thuốc nam về đây bán. Một vài hộ dân trong thôn cũng đã biết thu hái thuốc nam dưới tán rừng của đồi rừng gia đình như bà Năm chi hội trưởng đông y. Nhiều loại thuốc ta như đã gặp người dân trồng ở đâu đó, cũng có nhiều cây ta chưa hề gặp vì nó chẳng khác gì cây trong rừng. Ngoài việc thu hái cây thuốc trong tự nhiên, các hội viên Đông y đang tích cực di thực những cây thuốc bản địa từ rừng về trồng ở vườn nhà .
    Cũng tương tự như nhiều làng xã trong tỉnh, thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái may mắn được thiên nhiên ưu đãi những điều kiện vô cùng quý giá, diện tích tự nhiên thuộc địa hình núi trung bình, độ cao 700-1700m, tương đối bằng phẳng; Nguồn nước của ở đây khá phong phú, các khe suối thuộc lưu vực hệ thống sông Hồng rất thích nghi và phù hợp cho phát triển lúa nước và cây trồng nông lâm nghiệp khác. Rừng ở đây là nơi có nhiều loại cây thảo dược quý như: giảo cổ lam; cẩu tích, lá khôi, huyết đằng; máu chó; cây gắm, tỏa dương; hồng rừng, ba kích, phục linh, đinh lăng, chuối hột…vv. Những cây thảo dược này không chỉ có giá trị lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà còn có tiềm năng rất lớn trong thu nhập của người dân góp phần xóa đói giảm nghèo cho họ. Tuy nhiên, thói quen khai thác tận thu của người dân đã dẫn tới một thực tế là các loại cây thảo dược quý của xã hiện đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt và có thể tuyệt chủng trong rừng tự nhiên. Việc khai thác tận thu còn dẫn tới tình trạng phá hủy môi trường rừng, gây xói mòn, sạt lở đất. Mặt khác, nhiều bài thuốc quý của người dân tộc thiểu số bị mai một do thiếu vị thuốc và điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe cộng đồng không được như mong muốn. Hiện tại trong toàn xã Đồng Khê có khoảng 160 hộ đang tham gia khai thác, trồng, chế biến và trao đổi thuốc nam. Tuy nhiên, những hộ gia đình này vẫn giữ thói quen khai thác tận thu trong rừng tự nhiên, nhất là ở khu vực thôn Bản Hốc. Một vài hộ có vườn rừng có thực hiện di thực cây thuốc từ rừng về trồng thử nghiệm và bảo vệ việc khai thác trong khuôn khổ hộ gia đình. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy nhiều cây thảo dược quý có thể trồng thành công tại hộ gia đình, ví dụ như: cây lá khôi, cây ba kích, cây đinh lăng, giảo cổ lam, chuối hột và một số cây khác, nhưng vẫn chỉ là nhỏ lẻ.
    Xã Đồng Khê có khoảng 293,25ha rừng trồng kinh tế có tiềm năng trong việc trồng xen các cây thảo dược. Tuy nhiên, phần lớn việc trồng thử nghiệm mới chỉ mang tính tự phát, manh mún mà chưa có chiến lựơc cụ thể nào. Nghề thuốc ở Đồng Khê bây giờ muốn duy trì và phát triển được thì không chỉ dừng lại ở việc truyền lại các bài thuốc, cách sử dụng các dược liệu, mà còn bắt đầu từ công việc tìm kiếm cây thuốc, duy trì được nguồn thuốc nam lâu dài. Với nguồn dược liệu là các loại cây mọc tự nhiên trên rừng xanh, họ thu hái, sơ chế, phơi khô tự nhiên chứ không ngâm, tẩm bất kỳ hóa chất hay chất bảo quản nào. Sau công đoạn đó, mỗi người lại có bài thuốc gia truyền riêng để kết hợp các vị thuốc tạo thành thang thuốc hữu hiệu, yên tâm không lo độc hại khi sử dụng, đó là điểm rất quý đối với người dùng thuốc. Nhưng nay việc thiếu nguồn dược liệu do khai thác cạn kiệt đang khiến những người tâm huyết với nghề không khỏi suy nghĩ. Hỗ trợ để phát triển bền vững và kiến thức để tạo liên kết chuỗi giá trị cho thảo dược vốn là điều rất cần ở nơi đây cũng như nhiều làng thuốc nam khác ở Yên Bái. Ý tưởng thành hình nhóm người dân có sở thích thuốc nam tham gia vào việc trồng bảo tồn các cây thảo dược quý cũng được chính quyền địa phương quan tâm. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, kinh nghiệm thành lập, duy trì hoạt động nhóm hiệu quả còn thiếu hụt nên các suy nghĩ mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật trồng thử nghiệm một số cây thuốc có giá trị kinh tế cao tại vườn nhà (như cây lá khôi, ba kích, đinh lăng…). Chưa có điều kiện để tổ chức liên kết bốn nhà( nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp với người trồng thuốc) đối với đầu tư phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, về lâu về dài, cách làm “mỗi nhà mỗi mảnh” sẽ khó mang đến lợi ích kinh tế bền vững cho người dân. Rất cần có sự hỗ trợ thêm về nguồn lực để xây dựng năng lực cho các tổ nhóm hoặc Hợp tác xã trồng thuốc nam và tìm kiếm sự liên kết của doanh nghiệp cho tiêu thụ sản phẩm cây trồng. Làm được như vậy, tin rằng dược liệu nơi đây sẽ được bảo tồn, duy trì và thu hút được sự tham gia của người dân vào nỗ lực bảo tồn nguồn thảo dược bản địa và phát triển thành vùng dược liệu đảm bảo cung ứng nguyên liệu làm thuốc cho chăm sóc sức khỏe, đồng thời giúp người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội bền vững ở địa phương. Điều này sẽ giúp cho các thành viên của các cộng đồng dân tộc thiểu số duy trì, nhân rộng việc bảo tồn tự nhiên và đa dạng sinh học, phát triển các cây thuốc truyền thống, cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường bền vững.

    B V H

    #2405
    Thanh Tran
    Thanh Tran
    Thành viên

    Tôi đã đi qua nhiều lần chợ thuốc Nam này, rất đặc trưng một chợ thuốc Nam ở miền núi Tây Bắc. Mỗi lần đi qua đều muốn ghé lại nhìn ngắm chợ, mua chút thuốc Nam về đun nước uống , hương vị thơm mát và ngon. Tôi chưa mua thuốc chữa bệnh gì ở đây nhưng nhìn thấy chuối hột khô, chuối hột chín người dân dem bán thì chắc là sẽ chữa khỏi bệnh vì y văn đã nói nhiều đến giá trị chữa bệnh của loại thuốc Nam này. Cảm ơn tác giả đã nói hộ những điều tôi muốn nói về chợ thuốc nam này ở Yên Bái.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 2 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.