Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam Diễn đàn Chuyên mục thảo luận BI & CSR Đôi điều về nhận thức, thực hành đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội

Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Avatar Bùi Văn Hải 3 năm, 7 tháng trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #2394
    Avatar
    Bùi Văn Hải
    Thành viên

    Thực tế quảng cáo thuốc chữa bệnh:
    Thuốc chữa bệnh cho người là những hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì vậy thông tin, quảng cáo thuốc phải trung thực, khách quan, chính xác nhằm hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
    Hiện nay, việc quảng cáo thuốc chữa bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển một cách khá rầm rộ. Có rất nhiều quảng cáo chỉ nêu toàn ưu điểm của thuốc khiến nhiều người coi việc dùng thuốc trở nên quá bình thường, ai cũng có thể mua về tự uống, dùng càng nhiều càng tốt. Tình trạng quảng cáo thuốc chữa bệnh cho người mua theo đơn (bán lẻ tại các nhà thuốc) vẫn rất phổ biến. Thậm chí các thuốc chưa được cấp đăng ký hoặc hết hạn đăng ký, thuốc đã bị loại ra khỏi danh mục hoặc bị đình chỉ lưu hành vẫn trôi nổi trên thị trường.
    Công bằng mà nói, nhiều loại thực phẩm chức năng; Thuốc y học cổ truyền hợp pháp và đã qua khâu kiểm định chất lượng có công dụng tốt trong phòng ngừa cũng như hỗ trợ điều trị một số căn bệnh. Tuy nhiên, nó không phải là thuốc đơn độc chữa bệnh, hoàn toàn không được lợi dụng quảng cáo để để “ăn theo” thuốc chữa bệnh. Các chiêu trò sử dụng tên tuổi, hình ảnh của những người nổi tiếng là giới showbiz để lăng xê, tiêu thụ một số sản phẩm chưa rõ nguồn gốc là chuyện không hề mới và vẫn đang được sử dụng đối với nhiều loại sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thuốc Nam.
    Theo quy định, quảng cáo thuốc phải khách quan, trung thực, nêu rõ cả công dụng lẫn tác dụng phụ của thuốc. Nhưng trên thực tế thì nhà sản xuất, thương nhân kinh doanh thường chỉ nhấn mạnh về công dụng, ưu điểm của thuốc còn tác dụng phụ rất ít nói đến. Những clip quảng cáo trên truyền hình thường làm theo một mô típ chung là trị đau đầu, đau bụng, đau đại tràng, ho, hen suyễn, biếng ăn, cảm cúm, đau nhức xương khớp,… Sau khi uống thuốc, họ cầm hộp thuốc nâng lên ngang mặt, đọc một lượt các công dụng, tính năng tốt của thuốc cùng với tên hãng dược thuê họ quảng cáo – phần này được chiếm hầu hết thời lượng quảng cáo; còn phần chống chỉ định và tác dụng phụ của thuốc thưởng chỉ gói gọn trong câu “Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”. Việc quảng cáo thuốc như thế cùng với sự xuất hiện dày đặc của nhãn hiệu thuốc trên báo, đài, vỏ xe buýt tạo niềm tin cho người xem, khiến họ yên tâm dùng thuốc theo quảng cáo.
    Ở các nước tiên tiến, việc quảng cáo thuốc chữa bệnh cực kỳ khắt khe vì nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng của toàn thể người dân. Việc quảng cáo sai không chỉ công ty dược phải bồi thường mà cơ quan truyền thông cũng phải chịu trách nhiệm. Về nguyên tắc, quảng cáo phải nêu cả ưu điểm và tác dụng phụ của thuốc, nhưng nhà sản xuất, kinh doanh thường nhấn mạnh về ưu điểm và đưa thông tin về tác dụng phụ rất mờ nhạt. Do đánh trúng tâm lý của nhiều người đang bị bệnh hoặc có nguy cơ cao mắc những chứng bệnh hiểm nghèo nên không ít trường hợp bị “sập bẫy” quảng cáo.
    Một tâm lý sai lầm của nhiều người vô tình giúp những loại “tiên dược” có đất sống đó là nhẹ dạ cả tin. Bác sĩ khám ở bệnh viện giải thích rõ ràng vẫn không nghe, báo chí chính thống liên tục đăng bài cảnh báo cũng không tin, song chỉ cần xem vài dòng quảng cáo kèm hình ảnh bắt mắt là “chọn” ngay. Có người nhiệt tình đến mức chịu khó bấm “chia sẻ” cho bạn bè cùng biết. Người tiêu dùng như đang lạc vào “ma trận” của các loại thực phẩm chức năng (TPCN) mà theo quảng cáo thổi phồng dẫn đến tình trạng bát nháo trên thị trường, đồng thời gây ảnh hưởng đến sức khỏe, túi tiền của người sử dụng.
    Xin điểm ra đây những vi phạm phổ biến:
    Mập mờ tên gọi
    Là thực phẩm chức năng, nhưng luôn được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Đây là một vấn đề không mới khi đã xuất hiện và kéo dài nhiều năm qua, nhưng dường như đã rơi vào cảnh không ai kiểm soát, không thể kiểm soát. Đã có rất nhiều đơn vị bị xử phạt vì hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng như là thuốc điều trị, tuy nhiên các vi phạm vẫn không có dấu hiệu giảm mà ngày càng gia tăng, nhất là trên mạng xã hội.
    Bất chấp điều cấm
    VD: Tại trang “Phukhoanuoa.org”, địa chỉ bán hàng cũng liên quan đến cái gọi là “Đông y Vũ Đức”, dù bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng lại giới thiệu rằng “viên đặt phụ khoa nữ oa điều trị dứt điểm viêm nhiễm phụ khoa ngay tại nhà”. Với “công dụng diệt nấm âm đạo, viêm âm đạo, tạp khuẩn, mùi hôi tanh, ngứa âm đạo, khí hư, viêm lộ tuyến, viêm cổ tử cung…”. Ngoài ra, đơn vị bán hàng còn ngang nhiên sử dụng hình ảnh của nhiều bác sỹ, người có cấp hàm trong quân đội để quảng cáo sản phẩm để tăng niềm tin, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh hoặc sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm…”.Tại khoản 15 Điều 6 Luật Dược 2016 cũng nghiêm cấm hành vi thông tin, quảng cáo, tiếp thị… có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh đối với sản phẩm không phải là thuốc. Điều đó đồng nghĩa với việc gọi tên, quảng cáo thực phẩm chức năng gây nhầm lẫn là thuốc hoàn toàn bị nghiêm cấm.
    Tác dụng của quảng cáo:
    Là thông báo, truyền đạt một thông điệp của dịch vụ hay sản phẩm mới (mà đối tượng quảng cáo ở đây là thuốc) đến người tiêu dùng. Quảng cáo giúp cho người tiêu dùng chủ động hơn trong việc lựa chọn thuốc với những công dụng, chức năng phù hợp, bởi không phải loại thuốc nào cũng có sự hướng dẫn sử dụng của bác sĩ.
    Đối với người trực tiếp mua sản phẩm: Quảng cáo thuốc chính là một công cụ thúc đẩy sự tham gia chủ động của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thuốc cũng như sử dụng thuốc hiệu quả, phù hợp.
    Đối với người không trực tiếp sử dụng thuốc : nhân viên y tế, bác sĩ, dược sĩ,… quảng cáo thuốc chính là một kênh thông tin quan trọng đối với họ, giúp họ nắm bắt được thông tin về thuốc một cách nhanh chóng để có thể thực hiện nhiệm vụ, công việc của bản thân một cách chính xác.
    Đối với xã hội: Quảng cáo thuốc phát triển sẽ góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Bởi lẽ, nhu cầu sử dụng thuốc chữa bệnh được đáp ứng chính là một trong các tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống. Quảng cáo thuốc đem lại thông tin hỗ trợ về việc sử dụng thuốc, quảng bá, đưa các sản phẩm dược tới người tiêu dùng, thúc đẩy ngành Dược ngày càng phát triển.
    Dược phẩm là ngành đặc thù nên việc xây dựng các chiến dịch marketing không hề dễ. Tuy nhiên, với kiến thức về ngành và am hiểu luật dược cũng như thị trường Việt Nam, chúng ta vẫn có thể tạo nên những chiến lược hiệu quả và mang lại tiếng vang lớn cho thương hiệu. Các hoạt động thương hiệu phải gắn với trách nhiệm xã hội, ngoài nâng cao vị thế và giá trị vô hình của thương hiệu, còn tạo thiện cảm vô cùng tốt đẹp & bền vững trong tâm trí khách hàng. Quảng cáo không tốt như nêu ở trên là vi phạm đạo đức kinh doanh và thiếu trách nhiệm xã hội.
    Trước thực tế cơn bão thông tin chưa được kiểm chứng tràn lan trên mạng xã hội kiểu “vàng thau lẫn lộn”, trong đó có cả một số phương tiện truyền thông khác, cơ quan chức năng thì chưa kiểm duyệt được tận gốc, người dân cần tỉnh táo để nhận biết thật – giả, tránh bị “tiền mất tật mang”. Theo tôi, điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng cần lập hàng rào bảo vệ người tiêu dùng bằng cách tăng cường kiểm tra chất lượng, xuất xứ của các sản phẩm được giới thiệu, mời chào trên mạng. Xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) chứ không phải là người nổi tiếng thì muốn nói sao cũng được. Trước mỗi vấn đề mà ta còn băn khoăn, mọi người hãy nghe tư vấn của bác sĩ. Người nào chưa tin, chỉ cần đặt một câu hỏi cho mình rằng: “Bác sĩ chữa bệnh cho mình hay là các tin đồn đó? Bạn tin ai, nghe ai và chọn ai để giành lại sức khỏe cho bạn?”.
    B V H.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.