Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Phạm Hải Bình Phạm Hải Bình 3 năm trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #2672
    Phạm Hải Bình
    Phạm Hải Bình
    Quản lý

    Giải pháp phát triển cây dược liệu theo hướng liên kết hộ trồng, gắn với chế biến và tiêu thụ
    Để phát triển dược liệu bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã định hướng liên kết hộ trồng gắn với chế biến và tiêu thụ.
    Thực trạng phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh

    Theo thống kê, nguồn tài nguyên dược liệu tỉnh Bắc Kạn có trên 1.000 loài cây thuốc, trong đó có 20 loại cây quý và hiếm có giá trị kinh tế cao. Cây dược liệu có hầu hết ở các huyện, thành phố nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện: Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn, Na Rì và Chợ Mới. Các loài dược liệu có thế mạnh ở tỉnh Bắc Kạn như: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Bảy lá một hoa, Cát sâm… đã được quan tâm bảo tồn, phát triển. Vấn đề bảo tồn và phát triển dược liệu bước đầu đã được các cấp chính quyền và các ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

    Thời gian qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển dược liệu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến 2020; ban hành Quy chế quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tại Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035 đã định hướng phát triển cây dược liệu theo hướng thực hành tốt (GACP).

    Cùng với đó, tỉnh đã triển khai các đề tài/dự án khoa học phát triển dược liệu như: “Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học và biện pháp kỹ thuật trồng cây kim tuyến”; “Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng vườn thuốc nam tại các trạm y tế xã”; “Trồng và chế biến cây Giảo cổ lam tại tỉnh Bắc Kạn”; “Nghiên cứu đánh giá, nhân giống và kỹ thuật trồng Gừng đá Bắc Kạn”.

    Ngoài ra, còn có một số dự án phát triển dược liệu được các đơn vị, địa phương thực hiện như “Tăng cường quản lý và chia sẻ lợi ích công bằng cho các chuỗi sản phẩm dược liệu tự nhiên tại Việt Nam” do Tổ chức Traffic International tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện tại 04 huyện: Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì; “Xây dựng mô hình trồng cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm ở một số tỉnh phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ, triển khai tại các xã Hương Nê, huyện Ngân Sơn, xã Phương Viên và xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn; dự án mô hình thí điểm tiêu thụ cây dược liệu do Sở Công Thương chủ trì thực hiện; mô hình trồng cây dược liệu thuộc Chương trình UN-REDD do chính phủ Na Uy tài trợ đã hỗ trợ tại thôn Khuổi Lùng, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể và tại thôn Quan Làng, xã Quang Phong, huyện Na Rì; mô hình trồng cây dược liệu do dự án 3PAD hỗ trợ trồng tại xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, xã Dương Sơn, huyện Na Rì.

    Tại các địa phương, chính quyền cơ sở cũng đã chú trọng mở rộng diện tích một số loại dược liệu quý như: Huyện Chợ Mới đã đưa cây Đinh lăng vào trồng thí điểm tại các xã Thanh Thịnh và thị trấn Đồng Tâm với diện tích 1,5 ha; huyện Chợ Đồn có mô hình trồng và chế biến cây Giảo cổ lam, bước đầu được triển khai tại xã Phương Viên với tổng diện tích là 0,44 ha, qua thời gian thí điểm đã cho hiệu quả tốt, nhiều hộ dân đã chủ động gây trồng và mở rộng diện tích… Lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển các loại lâm sản ngoài gỗ nói chung và cây dược liệu nói riêng trên địa bàn tỉnh.

    Với sự vào cuộc khá đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, nhìn chung tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép cây dược liệu (lâm sản ngoài gỗ) trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, vì mục đích thương mại và giá trị cây thuốc cao nên một số bộ phận người dân sinh sống tại những khu vực gần rừng vẫn lén lút vào rừng để khai thác trái phép và bán cho các tư thương.

    Giải pháp phát triển liên kết hộ trồng dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ

    Để phát triển liên kết hộ trồng dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ, góp phần phát triển bền vững cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Bắc Kạn đã xác định cần thực hiện tốt 04 nhóm giải pháp, cụ thể:

    Một là, thực hiện quy hoạch vùng nhằm xây dựng đ­ược cơ cấu cây trồng một số loài d­ược liệu theo vùng và phát huy tiềm năng sẵn có cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phân thành 04 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái và nhu cầu của các hộ có tiềm năng đất đai để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiểu vùng Trung tâm (huyện Chợ Mới, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn) tập trung phát triển 12 loài cây dược liệu có thế mạnh của tỉnh như Ba kích, Hà Thủ ô, Bình vôi, Bảy lá một hoa, Cát sâm, Đinh lăng, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Kim tiền thảo, Gừng gió, Củ tắc kè… Tiểu vùng phía Đông (Huyện Na Rì) tập trung phát triển 08 loài cây dược liệu là thế mạnh của vùng, gồm Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Gừng gió, Củ tắc kè, Kê huyết đằng, Dong riềng đỏ, Sâm cau. Tiểu vùng phía Tây (huyện Chợ Đồn) tập trung phát triển 09 loài cây dược liệu có giá trị là thế mạnh của địa phương, gồm Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Cát sâm, Đinh lăng, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Kim tiền thảo. Tiểu vùng phía Bắc và Tây Bắc (gồm các huyện Ba Bể, Pác Nặm và Ngân Sơn) tập trung phát triển 10 loài cây dược liệu có giá trị kinh tế là thế mạnh của vùng, gồm: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Bảy lá một hoa, Cát sâm, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Lan kim tuyến, Củ tắc kè. Mỗi vùng phấn đấu trồng được 50 ha cây dược liệu theo hình thức thâm canh và 50 ha trồng xen dưới tán rừng.

    Hai là, về các cơ chế, chính sách. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, nguồn vốn… tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn và phát triển dược liệu. Xây dựng và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung theo nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP) đối với các loài dược liệu trong quy hoạch, gắn liền với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để bảo vệ quyền lợi của người trồng dược liệu. Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về dược liệu trên địa bàn. Xây dựng chính sách ưu tiên trong sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm đối với dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, đáp ứng với thực tiễn và phù hợp quy định hiện hành.

    Ba là, quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật. Tỉnh tập trung nghiên cứu chọn tạo, phục tráng, công nhận, bảo hộ các giống cây dược liệu; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về canh tác, khảo nghiệm, chứng nhận chất lượng đối với cây dược liệu. Cần nghiên cứu và phát triển giống dược liệu mới do phần lớn bộ giống dược liệu trong nuôi trồng hiện nay vẫn dựa vào các giống địa phương, năng suất thấp. Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, điều tra, nghiên cứu đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp sâu bệnh hại trên cây dược liệu nhằm đảm bảo năng suất vừa chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản dược liệu cho các hộ dân trực tiếp gieo trồng cây dược liệu, cũng như sản xuất các sản phẩm dược liệu nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác trồng cây dược liệu an toàn, đúng quy trình; hướng dẫn các cách thực hành, lựa chọn sản phẩm an toàn. Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại để chế biến, bảo quản sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

    Bốn là, liên kết để phát triển dược liệu bền vững. Để liên kết, phát triển dược liệu bền vững, cần thực hiện tốt mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nhà nông, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Mối liên kết đó sẽ giúp hình thành và phát triển hướng đi với bốn mục tiêu chiến lược phát triển xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị từ dược liệu: Nguyên liệu xanh, công nghệ xanh, sản phẩm xanh, dịch vụ xanh. Chỉ có liên kết mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp sản phẩm từ cây dược liệu phát triển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế./.
    Theo: Cổng Thông tin Điện tử Bắc Kạn

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.