Món ăn bài thuốc từ cây hẹ
Lá hẹ sắc uống trị hen suyễn nguy cấp, rễ hẹ sắc uống tẩy giun kim. Bài thuốc từ hẹ tác dụng trị tinh yếu do hư lao.
Cây hẹ hay còn gọi là cửu thái, nén tàu, hom xe lép (Thái), phắc kép (Tày), tên khoa học là Allium odorum, thuộc họ Hành Liliaceae.
Trong 86 g hẹ có chứa 1,9 g protid, 5,1g glucid và 25 calo. Cây hẹ vị cay, hơi chua, tính ấm, hạt ngọt, tính ấm, tác dụng thông khí ở phổi, hạ khí đầy ở bụng, điều hòa tạng phủ, khỏi đau bụng do lạnh. Khi nấu ăn, hẹ bổ ích thận khí, mạnh dương, khỏi tiết tinh và ấm khỏe lưng gối, luộc xào với giấm, muối, ăn vào sáng sớm, lúc đói khỏi chứng ợ hơi. Hạt hẹ (Cửu thái tử) chữa di mộng tinh, són đái, tinh yếu do hư lao.
Món ăn, bài thuốc từ cây hẹ
Một nắm lá hẹ sắc uống trị cơn suyễn nguy cấp.
Giã nhuyễn toàn cây hẹ lượng 100 g vắt lấy nước cốt, hòa dược liệu đồng tiện uống chữa phụ nữ đến kỳ kinh mà không hành kinh, bị thương ứ máu, đái ra máu, chảy máu cam.
Một nắm lá hẹ giã nhuyễn vắt lấy nước cốt, hòa nước cốt gừng uống chữa chứng co giật sau đẻ, nôn ra nước xanh. Uống nguyên nước cốt lá hẹ chữa bụng dưới đau nhói hoặc ngộ độc thức ăn.
Hạt hẹ sắc uống lượng tùy dùng chữa bạch đới ở phụ nữ và viêm tiền liệt tuyến ở nam giới.
Rễ hẹ sắc uống tẩy giun kim.
Đặc biệt, hẹ có tác dụng trị tinh yếu do hư lao. Bài thuốc như sau: cửu thái tử (hạt hẹ) 16 g, phúc bồn tử 24 g, xà sàng tử 6 g, thỏ tỵ tử 24 g, phá cố tử 6 g, kim anh tử 16 g, thạch liên tử 16 g, cây kỷ tử 24 g, ngũ vị tử 6 g, dâm dương hoắc 24 g, hoài sơn 48 g, thục địa 48 g. Sắc một thang mỗi ngày, chia 3 lần, uống liên tiếp 5 ngày, nghỉ 3 ngày, sau đó uống tiếp 2 liệu trình nữa.