Diễn đàn cây thuốc nam

Nơi trao đổi thông tin và liên kết thị trường về cây thuốc, bài thuốc đông y

Digital platform on herbal plants and recipies

Diễn đàn cây thuốc nam – Kết nối chuỗi giá trị cây thuốc nam Diễn đàn Những nhu cầu khác TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGƯỜI MẢNG Ở VIỆT NAM TRONG KHÁM BỆNH VÀ CHỮA BỆNH

Chủ đề này bao gồm 0 phản hồi, có 1 voice, và đã được cập nhật lần cuối cùng cách đây khoảng Avatar Nguyễn văn Thắng 3 năm, 11 tháng trước.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #1413
    Avatar
    Nguyễn văn Thắng
    Thành viên

    Người Mảng ở Việt Nam là một tộc người có dân số ít (dưới 10.000 người) cứ trú tập chung tại tỉnh Lai Châu (chiếm 98,13%).
    Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tộc người Mảng có 3.700 người, cư trú tập trung tại Lai Châu với 98,13% dân số. Sinh kế của người Mảng tới nay vẫn còn nhiều hạn chế, nền kinh tế tự cung tự cấp vẫn phổ biến.
    Với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, những tri thức bản địa của người Mảng đang dần mất đi cơ sở tồn tại, tuy nhiên, những tri thức bản địa sẽ là cơ sở cho việc kế thừa và phát huy những kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện sản xuất, canh tác và chữa bệnh của người dân. Tới nay, tộc người Mảng vẫn duy trì cách khám và chữa bệnh cho người ốm một theo truyền thống của mình, chỉ khi không khỏi thì họ mới đem người ốm tới các trạm y tế, bệnh viện,… họ vẫn tin rằng, người ốm là do ma, thần làm chứ không tin vào việc ăn ở mất vệ sinh hay những nguyên nhân khác.
    Bệnh tật (ha mé bóng) là do ma làm cho người bị, khi ma và các vị thần linh không hài lòng với ai, hoặc người đó có hành động xúc phạm tới thần, ma thì sẽ bị trừng phạt. Họ tin thế giới bao la hiện nay vẫn có ma và hết thảy những bệnh, tai nạn, ốm đau,… là do ma làm, khi có người ốm đau thì phải bói xem đó là ma gì làm cho ốm, sau đó, phải tiến hành cúng ma, cầu xin ma, xua đuổi ma không làm hai người nữa. Đây là một quan niệm hết sức chủ quan của người Mảng, tuy nhiên, không rễ loại bỏ những suy nghĩ đó ra khỏi thế giới của họ trong một thời gian ngắn.
    Trước tiên muốn biết là người ốm đó bị ma nào làm cho ốm thì phải cúng đoán xem ma nào làm cho ốm, công việc này được tiến hành như sau:
    Họ cầm dao lên rừng tìm chặt lấy một cây Giang đem về chẻ lấy hai sợi lạt mỏng dài khoảng 30cm đến 40 cm, đưa cho thầy cúng đã được mời tới nhà, thầy cúng lấy ra một con dao nhọn đã mang sẵn dài khoảng 20cm, lấy dây lạt buộc vào hai đầu, mỗi đầu một sợi, sau đó đem tới gần chỗ người bệnh nằm. Thầy cúng hai tay cầm hai đầu dây lạt thật chắc cho con dao nhọn nằm ngang và bắt đầu đọc tên các loại ma, hai mắt nhắm, thầy bắt đầu gọi từ ma nhà, ma rừng, ma cây, ma suối, ma hòn đá, ma núi, ma bến nước,… Sau mỗi lần đọc tên một loại ma thì lại mở mắt ra nhìn vào con dao nhọn nằm ngang được treo bởi hai sợi lạt đó xem có chuyển động không, nếu con dao chuyển động có nghĩa là con ma ấy đã làm người bệnh ốm. Sau khi xác định được là con ma làm cho người ốm, thầy cúng dùng trứng gà để đoán tiếp. Đây là việc làm để xác định lại chính xác là con ma rừng, ma nhà, hay ma suối,… đã làm cho người ốm. Thầy cúng cầm quả trứng gà dặn dò và giao ước với quả trứng về những điều sắp diễn ra, sau đó, cầm quả trứng lăn đều lên chỗ đau hoặc lăn lên người bị bệnh, sau nhiều lần lăn đi lăn lại thầy cúng cầm quả trứng lên xem. Nếu thấy trong quả trứng có những dấu vết như đã quy ước ban đầu hoặc có dấu vết lạ thì đúng là con ma ấy đã làm người ốm.
    Sau khi phán đoán và tìm được ma, họ bắt đầu tìm cách chữa trị cho người khỏi bệnh. Việc chữa bệnh cho người ốm cũng khá đơn giản. Họ dùng chính con dao nhọn ấy đem nung trên ngọn lửa cho hồng rồi dùng tay vuốt dọc dao từ phần chuôi lên tới mũi dao, vuốt xong áp tay xoa lên chỗ bị đau hoặc xoa lên người ốm, họ cứ làm đi làm lại như vậy nhiều lần, tới khi thấy người ốm tỉnh táo hơn thì thôi. Nhưng nếu xác định là ma rừng thì cách chữa bệnh được tiến hành khác, cụ thể: Họ chuẩn bị một ống nứa nhỏ làm nắp đậy, lấy sáp ong gắn vào phần đáy ống nứa, một con dao nhọn, sau đó tiến hành cúng. Thầy cúng hoặc chủ nhà cùng cầm ống nứa có sáp ong đó đem hơ trên ngọn lửa cho sáp ong toả mùi thơm bay ra, sau đó, dí sáp ong vào quần, áo của người ốm, trong khi làm như vậy, tay còn lại cầm con dao nhọn gõ nhẹ vào ống nứa ngụ ý đuổi ma đi khỏi người bệnh và miệng thì đọc bài cúng xua đuổi ma rừng. Nếu cúng vài lần mà người ốm không khỏi thì họ làm tiếp một lễ thức khác. Họ bắt một con gà nhỏ (không kể trống hay mái) đốt đuôi con gà con cho cháy rồi thả gà cho chạy đi. Làm như vậy họ tin rằng con ma sẽ bỏ đi không ở lại trong người bệnh nữa, và người bệnh sẽ khỏe lại.
    Việc kết hợp giữa chữa bệnh bằng cách hiện đại và truyền thống cũng có hạn chế, người ốm chỉ khi không thể chữa bằng việc cúng và đuổi ma thì họ mới chuyển lên các cơ sở khám chữa bệnh, ngay cả việc bị tai nạn giao thông, họ vẫn cho rằng, người bị tai nạn là do lúc đó “hồn” đi lang thang không theo sau “xác” để giúp nên mới bị tai nạn, và việc đầu tiên là phải cúng gọi “hồn” về giúp “xác”, nếu không khỏi thì mới đem chữa. Nhiều cái chết đã xảy ra do bị sọ não không được cứu chữa kịp thời, nhưng với họ, việc cứu chữa truyền thống vẫn là ưu tiên số một mặc dù có nhiều rủi ro.
    Bảng 1: Một số bệnh người Mảng thường gặp
    Stt Tên gọi Phiên âm
    1 Cúm dí dượt
    2 Ho O hồ
    3 Cảm Chọ xa
    4 Đi ỉa Chi để
    5 Đau bụng Chi dể
    6 Đau lưng Chi chằng plằng
    7 Đau đầu Chi chằng lò
    8 Đau chân Chi choằng chỉ
    9 Đau tay Củng chi
    10 Đau dạ dày Chi đô là tô
    11 Gẫy chân Choong lắc
    12 Viêm phổi Pul he
    13 Đau tim Chị pả vong
    14 Hen Hom nẹch
    Người Mảng có rất ít cách bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho mình và cộng đồng. Tất thảy những vấn đề xảy ra họ đều quy cho ma làm, thần làm chứ không có nhiều cách, phương pháp phòng tránh bệnh tật. Qua điều tra, hầu như các bản đều không có thầy lang, hoặc thầy thuốc mà chỉ có thầy bói, bản nào cũng có từ một tới hai ông thầy bói. Khi ôm đau, họ đến xem bói và cúng ma chứ ít uống các loại thuốc để trị bệnh trừ khi cúng ma mà bệnh vẫn không khỏi. Tuy nhiên, họ vẫn có sử dụng một số cây rừng để điều trị một số bệnh thông thường, cụ thể:
    Bảng 2: Một số cây thuốc, động vật dùng làm thuốc và công dụng
    Stt Tên gọi Phiên âm Công dụng
    Cây thuốc
    1 Cây tầm gửi ở cây gạo Plăng boong đê Chữa khó đẻ
    2 Hoa chuối mọc ngược Nho hảng pro Chữa chán ăn của phụ nữ
    3 Hạt chuối rừng Hảng pro Chữa bệnh thận
    4 Cây thành nghạch Ni noỏng Chữa kiết lỵ
    Động vật dùng làm thuốc
    5 Con Bìm bịp Som pựt Chữa dạ dày
    6 Con Tắc kè Ma tơ rớn Tăng sức khoẻ
    7 Con Vắt Ma phuổm Chữa bệnh hen
    8 Con Hon Ma tổ mả Chữa dạ dày
    Người Mảng hiện nay vẫn dùng các hình thức cúng để xua đuổi tà ma làm hại người bệnh. Song họ cũng có một số bài thuốc chữa trị tuy đơn giản và hiệu quả không cao song đó cũng là những tri thức quý báu. Họ thường dùng các loại lá cây rừng, hoa, cỏ thu hái sao chế để dùng. Nếu người phụ nữ mà mất sức sau khi sinh, người Mảng thường lấy búp cây Sung nấu cháo gạo nếp với gà con cho phụ sản ăn, để phòng bệnh hậu sản thì họ thường cho phụ sản ăn cháo có một chút thuốc phiện hoặc cho vào nồi cháo củ gấu tầu đã được khử độc. Họ ăn búp Ổi, búp Sim để chữa bệnh ỉa chảy, đi ngoài. Nếu bị ghẻ ngứa, vết thương bị nhiễm trùng họ thường lấy lá Đào đem nấu với nước để tắm vào buổi sáng hoặc tối. Dùng sáp ong để chữa cho người bị mắc bệnh thối tai bằng cách đốt sáp ong rồi thổi vào tai người bệnh ngày từ 2 đến 3 lần. Họ còn dùng rượu ngâm Gấu Tầu, Bìm Bịp, Mật Gấu để bóp cho những bệnh nhân đau lưng bong gân. Mật Lợn rừng để chữa bệnh thận, dạ dày nhím để chữa bệnh đau dạ dày. Dùng mật ong và tỏi ngâm rượu chữa các bệnh phế quản,… và còn một số mẹo vặt để chữa trị những tai nạn và những cách khử độc khác.
    Nhìn chung trong tâm thức của người Mảng thì họ đã được trang bị một số tri thức để thích nghi với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nơi cư trú. Ngày nay các bản của người Mảng đã có những công tác viên dân số, y tá bản, song có thể nhìn nhận khách quan là đội ngũ này không thể đáp ứng được tốt công việc trong khi điều kiện giao thông khó khăn, thiếu thốn thuốc men, vật dụng y tế, ý thức của bà con chưa tin tưởng hoàn toàn vào y tế bản, hơn nữa ngay cả những công tác viên này cũng chưa hiểu hết công việc mình phải làm, ý thức của họ chưa hoàn toàn thoát khỏi những tập tục lạc hậu của tộc người. Vì vậy hiệu quả trong công tác này vẫn chưa có kết quả như mong muốn.
    Người Mảng ở Việt Nam tuy còn nhiều tục và quan điểm khám chữa bệnh chưa tiến bộ, nhưng cần phải thấy rằng, trong kho tàng tri thức địa phương của họ, tri thức khám bệnh và chữa bệnh cũng có những hiệu quả nhất định, đặc biệt là các bài thuốc dân gian (như trên đã nêu) đã góp phần vào việc nâng cao sức khỏe của cộng đồng trong những năm đã qua. Điều đó đáng trân trọng và gìn giữ. Ngày nay, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những tri thức đại phương ấy đang dần mất đi, vì người Mảng đã tiếp thu được một số mặt tiến bộ về y học thông qua sách, báo, đài, ti vi, cộng tác viên y tế,… nhưng những giá trị văn hóa và tính hữu ích của các bài thuốc của họ vẫn có giá trị và cần tiếp tục được nhân rộng.

    TS. Nguyễn Văn Thắng
    Đại học Thủ Đô

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)

Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.