Ô dược: Vị thuốc giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Ô dược là vị thuốc phổ biến ở các tỉnh miền Trung nước ta. Dược liệu này thường được sử dụng theo kinh nghiệm, hỗ trợ cho đường tiêu hóa. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây.
Ô dược là gì?
Tên khoa học
- Còn gọi là Thiên thai ô dược, Phòng hoa, Thai ô dược, Bàng tỵ, Bàng kỳ, Thổ mộc hương, Tức ngư khương, Kê cốt hương, Bạch diệp sài, cây dầu đắng, ô dược nam.
- Tên khoa học Lindera myrrha (Lour.) Merr. (Laurus myrrha Lour., Litsea trinervia Pers., Tetranthera trinervia Spreng., Daphnidium myrrha Nees.).
- Thuộc họ Long não Lauraceae.
- Ô dược (Radix Linderae) là rễ phơi hoặc sấy khô của cây dầu đắng.
Mô tả thực vật
- Ô dược nam là một loài cây nhỏ, cao độ từ 1.3 đến 1.4m, cành gầy, màu đen nhạt. Lá mọc so le, dạng hình bầu dục, dài 6cm, rộng 2cm, mặt trên lá nhẵn bóng, mặt dưới lá có lông, hai gân phụ bắt đầu từ điểm cách cuống lá 2mm, dài khảng ⅔ lá, mặt trên lõm, mặt dưới lồi lên. Cuống gầy, dài từ 7 đến 10 mm, lúc đầu có lông, sau nhẵn, mặt trên lõm thành rãnh.
- Hoa màu hồng nhạt, họp thành tán nhỏ, đường kính 3 – 4mm. Quả mọng dạng hình trứng, khi quả chín có màu đỏ, một hạt.
- Toàn cây có mùi thơm, vị đắng.
- Rễ dạng hình thoi, hơi cong, 2 đầu hơi tù, phần giữa phình to thành hình chuỗi dài từ 10 đến 13cm, đường kính ở chỗ phình to có thể tới 2cm. Mặt ngoài màu nâu vàng hoặc màu nâu nhạt vàng, có vết của rễ tơ đã rụng, có vằn nứt ngang và nếp nhăn dọc. Cứng, khó bẻ gãy, mặt cắt ngang màu nâu nhạt, hồng nhạt, hơi bột, ở giữa màu đậm hơn, có vằn tròn, hoa cúc.
Phân bố, thu hái
- Mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại Bắc Bộ, còn có ở Hòa Bình, Hà Tây.
- Có thể thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu đông hay đầu xuân.
Tác dụng của Ô dược
Thành phần hóa học
-
Alkaloid linderan, linderen, rượu linderola, axit linderic, linderazulen, coclorin, cocculine, cetone, tinh dầu.
Tác dụng dược lý theo Y học hiện đại
- Ô dược có thể làm tăng nhu động ruột và giảm trương lực đối với ruột của thỏ cô lập, tăng tiết dịch ở đường ruột, cải thiện triệu chứng đầy hơi.
- Ngoài ra, ô dược làm giảm thời gian đông máu thông qua tác động lên ion Canxi, từ đó, giúp cầm máu.
Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền
- Vị cay, hơi đắng, tính ôn. Quy kinh Tỳ, Vị, Phế, Thận.
- Lý khí, hành khí, khai uất, tán hàn, chỉ thống, ôn Thận. Trị ngực bụng trướng đau, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện đi nhiều, đái dầm, tiểu són.
- Ô dược còn là một vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian, làm thuốc chữa đau bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, trẻ em có giun, sung huyết, đầu nhức, hay tiểu đêm.
Cách sử dụng Ô dược
Rễ giống như đùi gà, khô, mập, chỗ to, chỗ nhỏ không đều, rắn chắc, vỏ nâu, thịt có màu vàng ngà, sạch rễ, không mọt, trơn nhẵn, có hương thơm là tốt. Loại cứng già không làm thuốc được.
Đào rễ, cắt bỏ rễ phụ, rửa sạch, phơi khô.
Nếu cắt miếng thì rễ tươi lấy về, cạo sạch vỏ ngoài (có khi không cạo) ngâm vào nước rồi thái thành từng miếng mỏng phơi khô.
Ô dược dễ mốc mọt. Cần để nơi khô ráo, thoáng mát.
Các bài thuốc từ Ô dược
Ngày dùng 2 – 6 gram, dạng thuốc hay thuốc bột.
Ô hương tán: Ô dược, Hương phụ, hai vị bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần dùng 6 – 8 gram bột này. Có thể sắc uống. Nếu ăn uống không ngon thì thêm nước sắc gừng tươi. Nếu có giun sán thì thêm nước sắc hạt cau.
Viên ô dược: Ô dược tán nhỏ, thêm nước hồ vo viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 – 20 viên chữa lỵ, sốt, tiêu chảy.
Ô dược thang: Ô dược, Cam thảo, Đương quy, Hương phụ tử (sao), Mộc hương. Có tác dụng lý khí, hành huyết, trị phụ nữ đau bụng kinh.
Kiêng kỵ
Những người có thể trạng khí hư mà có nội nhiệt thì không dùng.
Ô dược sử dụng rộng rãi trong điều trị một số vấn đề ở đường tiêu hóa. Quý độc giả nên tham vấn ý kiến bác sĩ và chuyên gia để sử dụng dược liệu hiệu quả, phù hợp với tình trạng bệnh.
Nguồn: YouMed