Phát hiện mới: Hoạt chất từ cây liễu tiêu diệt nhiều loại tế bào ung thư
Một hoạt chất có trong cây liễu có thể tiêu diệt nhiều loại tế bào ung thư, đặc biệt là u nguyên bào thần kinh, một loại ung thư thường xuất hiện ở trẻ em và rất khó điều trị.
Cách đây hơn một thế kỷ, khi thuốc hạ sốt vẫn chưa được bào chế, con người đã sử dụng chiết xuất từ cành và lá của cây liễu như một loại thảo dược thiên nhiên. Mới đây, các nhà khoa học vừa khám phá thêm một đặc tính dược liệu đặc biệt của loại cây này, đó là điều trị ung thư.
Nhóm nghiên cứu với sự hợp tác giữa các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Rothamsted và Đại học Kent đã khám phá ra một hợp chất bên trong cây liễu có tên miyabeacin, có khả năng tiêu diệt nhiều loại tế bào ung thư khác nhau, thậm chí là các tế bào kháng thuốc.
“Đáng chú ý, hoạt tính của miyabeacin có thể chống lại u nguyên bào thần kinh, một loại ung thư thường xuất hiện ở trẻ em và rất khó điều trị”, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo khoa học của mình.
GS Mike Beale, đại diện nhóm nghiên cứu phân tích: “Khả năng kháng lại các phương pháp điều trị của ung thư là vấn đề lớn, mà nền y học đang phải đối mặt. Do đó, cần phải liên tục tìm kiếm các loại thuốc mới, với cách tấn công mới và miyabeacin chính là một nhân tố đầy hứa hẹn trong vấn đề này. Xét về cấu trúc, miyabeacin có chứa 2 nhóm salicin, giúp đem lại tác dụng kháng viêm và chống đông máu gấp đôi so với thuốc aspirin đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Nghiên cứu của chúng tôi cũng đã bổ sung thêm một đặc tính dược liệu của cây liễu, so với những gì mà chúng ta biết trước đây”.
Trong quá trình thử nghiệm, nhóm tác giả đã kiểm tra khả năng của miyabeacin với một số dòng tế bào ung thư như: ung thư vú, ung thư thực quản, ung thư buồng trứng, u nguyên bào thần kinh. Kết quả cho thấy, miyabeacin có khả năng tiêu diệt hiệu quả các dòng tế bào này, đặc biệt là với dòng tế bào u nguyên bào thần kinh kháng thuốc, thường xuất hiện ở bệnh nhân mắc u nguyên bào thần kinh giai đoạn 4.
GS Beale chia sẻ rằng, ở bước tiếp theo, nhóm của ông sẽ tăng sản lượng miyabeacin, bằng cách nuôi trồng cây liễu, để có đủ vật liệu cho các thử nghiệm trong tương lai.
Minh Nhật
Theo MedicalXpress