Tham gia chống COVID-19
CÓ THỂ SỬ DỤNG Y HỌC CỔ TRUYỀN GÓP SỨC TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19?
Quan niệm về sức khỏe
Theo WHO “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hoặc tàn phế“. Tương đồng với quan điểm trên, Y học cổ truyền (YHCT) cho rằng tình trạng khỏe mạnh là sự cân bằng và điều hòa trong mối quan hệ không chỉ của các cơ quan tạng phủ cùng các hệ thống khác nhau bên trong cơ thể, mà còn giữa cơ thể và môi trường bên ngoài. Khi mối quan hệ nhiều mặt này bị phá vỡ sẽ sinh ra bệnh tật . Điều trị bệnh là tái lập lại cân bằng “động” và “toàn thể” này của cơ thể.
Cũng theo Y học cổ truyền: Ngoại cảm ôn bệnh là tên gọi chung của những bệnh do các yếu tố bên ngoài xâm nhập với những đặc điểm:
Khởi phát: Sốt cao. Bệnh cảnh thiên về nhiệt.
Diễn biến theo quy luật:
Bệnh thường cấp tính, diễn tiến nhanh, bệnh cảnh thường nặng.
Nếu phát bệnh thành dịch thì được gọi là “Ôn dịch”.
Cách phân loại:
Nếu dựa theo thời gian mà bệnh khởi phát:
Phong Ôn, Xuân Ôn: khi bệnh khởi phát vào mùa xuân.
Thử Ôn, Thấp Ôn: khi bệnh khởi phát vào mùa hè
Phục thử, Thu Táo: khi bệnh khởi phát vào mùa thu.
Đông Ôn: khi bệnh khởi phát vào mùa đông.
Nếu dựa theo cơ chế phát bệnh:
Tân cảm: khi cảm phải ngoại tà thì bệnh phát ngay.
Phục tà: khi cảm phải ngoại tà, bệnh không khởi phát ngay mà ẩn nấp bên trong, khi có đủ điều kiện thì mới phát bệnh.
Những điều kiện sinh bệnh thuận lợi là: Chính khí suy kém(tự thân hoặc sau đợt bệnh).
Nguyên nhân gây bệnh:
Ngoại cảm lục dâm: chủ yếu là những tính chất ôn nhiệt của lục dâm như Phong nhiệt, Thử nhiệt, Thấp nhiệt, Táo nhiệt…
Lệ khí: đây là loại khí hậu độc địa, do sự phối hợp giữa nguyên nhân trên và tử khí của xác chết, thường xảy ra trong chiến tranh, trong thiên tai địch họa.
Riêng về “Ôn dịch” thì chưa được tài liệu cổ nào có mô tả kỹ, tuy nhiên nó được xác định rõ là Ngoại cảm ôn bệnh trong YHCT. Ta có thể gọi COVID-19 là một “Ôn dịch”.
Ở cơ thể khỏe mạnh, cơ chế tự động điều chỉnh sẽ điều hòa các quá trình sống khác nhau và thích nghi với những thay đổi của môi trường giữa bên trong và bên ngoài cơ thể, được gọi là “Chính khí”, có thể hiểu đó là sức đề kháng, khả năng thích ứng và phản ứng của cơ thể đối với mọi nguyên nhân tác động. Khi các yếu tố gây bệnh – YHCT, gọi là “Tà khí” vượt quá khả năng điều chỉnh thích nghi trong nội bộ cơ thể, tức trạng thái cân bằng và điều hòa trong mối quan hệ “Chính khí” với “Tà khí” bị phá vỡ thì bệnh tật phát sinh. Như vậy, bệnh là phản ứng và đấu tranh giữa Chính khí và Tà khí. Chính khí (đối với tà khí) là cách gọi tổng thể về hoạt động công năng bình thường của cơ thể, tức là khả năng tự bản thân điều tiết, khả năng thích ứng với hoàn cảnh, khả năng phòng bệnh chống lại tà khí và khả năng tự khỏi bệnh. Phương thức tác động của chính khí gồm:
– Tự mình điều tiết để thích ứng với sự thay đổi của nội và ngoại cảnh để duy trì cân bằng âm – dương trong cơ thể, giữ gìn cơ thể được khỏe mạnh, ngăn không cho tà khí xâm nhập, cơ thể không bị mắc bệnh.
– Kháng lại tà khí để kháng bệnh khi cơ thể mắc bệnh, khu tà và đưa tà khí ra ngoài để khỏi bệnh.
– Khả năng cơ thể tự phục hồi sau khi bệnh hoặc khi cơ thể bị hư nhược thì tự mình thay đổi và hồi phục sức khỏe.
Tà khí còn gọi là bệnh tà (đối với chính khí), chỉ các loại nguyên nhân gây bệnh, bao gồm các nhân tố tồn tại ở môi trường bên ngoài như: Thời tiết – khí hậu, Vi sinh vật, Ô nhiễm môi trường,…; các yếu tố khác như: Ăn uống, Chấn thương, Trùng thú cắn,… và yếu tố bên trong được gọi là nội nhân tình chí (Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Bi, Ưu, Khủng,…). tác động hoặc xâm nhập gây bệnh hoặc tổn thương chính khí.
“Ôn dịch”COVID-19 và sự tác động tới sức khỏe:
Virus corona gây bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới (cũng có các triệu chứng ở đường hô hấp trên nhưng ít gặp hơn) và dẫn đến một loạt các triệu chứng được mô tả giống như cúm, bao gồm sốt, ho, khó thở, đau cơ và mệt mỏi. Với sự phát triển cao hơn nữa sẽ dẫn đến viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, có thể tiến triển thành suy rối loạn đa tạng và tử vong. Các phản ứng y tế đối với căn bệnh này thường là cố gắng kiểm soát các triệu chứng lâm sàng vì hiện tại chưa tìm thấy phương pháp điều trị hiệu quả nào.
Virus corona có sự lây nhiễm truyền bệnh nhanh nên cần cách ly triệt để nguồn bệnh bằng cách: Vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên bằng dịch sát khuẩn và đeo khẩu trang y tế. Những người nghĩ rằng họ đã bị nhiễm bệnh nên đeo khẩu trang y tế và gọi bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn.
Đề xuất nguyên tắc hỗ trợ cơ thể phòng chống COVID-19 theo quan điểm của y học cổ truyền
Từ sự phân tích nguyên nhân gây bệnh “Ôn dịch”theo y học cổ truyền, xin đề ra các nguyên tắc hỗ trợ cơ thể phòng chống COVID-19 như sau:
Phép can thiệp: Phù chính khứ tà, điều chỉnh âm dương, điều hòa khí huyết, điều chỉnh tạng phủ, điều nhiếp tinh thần, lập lại cân bằng cơ thể.
– Phù chính: là sử dụng các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc, nhằm nâng cao chính khí, tăng cường thể chất, nâng cao sức chiến đấu của cơ thể với bệnh tật để đạt tới việc cơ thể tự diệt trừ tà khí và khôi phục sức khỏe.
– Khứ tà: là sử dụng các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc để trừ đi nguyên nhân gây bệnh làm nhiễu loạn cơ thể, đạt được mục đích bảo hộ chính khí, khôi phục sức khỏe.
Bên cạnh đó, Virus corona có sự lây nhiễm truyền bệnh nhanh nên nguyên tắc cách ly triệt để nguồn bệnh bằng cách: Vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên bằng dịch sát khuẩn và đeo khẩu trang y tế. Những người nghĩ rằng họ đã bị nhiễm bệnh nên đeo khẩu trang y tế và gọi bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn vẫn là việc làm cần được tuân thủ để góp sức cùng cộng đồng chống dịch.
Bạn có cách nào hay có bổ sung gì không? Xin hãy trao đổi cùng tôi! Trân trọng ý kiến của các bạn.
CAC.
Bùi Văn Hải
Tính đến ngày 28/4/2020 Việt nam đã khống chế thành công dich, chỉ có 270 ca nhiễm và không có ca tử vong nào. Những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đã truyền cảm hứng cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 với nhiều nơi trên thế giới.